Không phân bổ hết, xin trả lại vốn
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 31/5/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 481.233,131 tỷ đồng, đạt 92,9% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Như vậy, số vốn ngân sách nhà nước mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án vẫn còn trên 36.872 tỷ đồng, bằng 7,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương trong nước là trên 7.417 tỷ đồng (của 11 bộ, cơ quan trung ương và 02 địa phương dự kiến bố trí cho 85 dự án); vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương là trên 1.103 tỷ đồng (của 02 bộ và 04 địa phương dự kiến bố trí cho 10 dự án). Còn vốn ngân sách địa phương là trên 28.351 tỷ đồng, của 13 địa phương.
Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công |
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 12 bộ, cơ quan trung ương và 16 địa phương đến nay chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, có 6 bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, với tổng số vốn là trên 1.385 tỷ đồng.
Số vốn này là của 24 dự án, hiện đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục thẩm định, phê duyệt, quyết định đầu tư dự án làm cơ sở để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất (4.401,345 tỷ đồng) và số vốn này dự kiến bố trí cho Dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, các bộ, cơ quan trung ương còn lại là những bộ có ít dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. “Nếu năm nay không được bố trí vốn để giải ngân một phần thì áp lực giải ngân các năm sau là rất lớn, khả năng hoàn thành dự án trong kỳ kế hoạch thấp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Vẫn còn 41 bộ ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%
Trong khi đó, dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn ngân sách năm 2022 ước thanh toán đến 31/5/2022 là trên 115.922 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước là 113.744,63 tỷ đồng, đạt 23,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngoài nước là 2.177,83 tỷ đồng, đạt 6,26% kế hoạch).
Kết quả giải ngân này tuy có cải thiện song vẫn còn chưa đạt như kỳ vọng. Liên quan đến tỷ lệ giải ngân này, cách đây ít hôm, khi báo cáo các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, phải nhìn vào thực tế là tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và cuối kỳ kế hoạch, và điều này đang có xu hướng trở thành quy luật, để nhận định giải ngân nhanh hay chậm.
Thực tế, trong giai đoạn 2017-2022, giải ngân của 5 tháng thường đạt trong khoảng từ 22 đến 26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thấp nhất là năm 2021 - đạt 22,12%, cao nhất là năm 2019 - đạt 26,4%. Như vậy, giải ngân của 5 tháng năm 2022 vẫn ở mức như xu hướng những năm gần đây.
Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sau 5 tháng, mới có 5 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%.
Trong khi đó, vẫn còn 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là rất đa dạng, gắn với từng loại hình dự án.
Chẳng hạn, các dự án khởi công mới được giao vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kế hoạch đấu thầu.
Trong khi đó, các dự án mua sắm trang thiết bị theo hợp đồng là thanh toán vào cuối năm; các dự án chuyển tiếp đang thi công, cần có khối lượng mới giải ngân được (thông thường những tháng đầu năm các dự án thi công để lấy khối lượng thanh toán cho phần đã tạm ứng vào cuối năm 2021).