Các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19. |
Giờ không phải lúc nói suông
Được phát hiện tại Anh lần đầu vào tháng 7/2021, biến thể AY.4.2 (còn gọi là Delta Plus) chứa 2 đột biến trong protein gai là A222V và Y145H. Theo Tạp chí Newsweek (Mỹ), biến thể này đã được phát hiện ở ít nhất 27 nước. Các nhà khoa học Anh cho biết, đây là một trong 45 nhánh phụ của chủng Delta, có thể có mức độ lây nhiễm cao hơn 10-15% so với biến thể Delta ban đầu. Tuy vậy, theo các quan chức y tế của Chính phủ Anh, còn quá sớm để nói biến thể này có gây ra rủi ro lớn hơn cho sức khỏe cộng đồng so với biến thể Delta hay không.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế của Thành phố cùng với các chuyên gia của Bộ Y tế và chuyên gia thế giới có mặt tại TP.HCM đang tiếp tục theo dõi diễn biến của biến thể AY.4.2 trên thế giới. Đồng thời, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố và Sở Y tế lấy mẫu giám sát, tầm soát; nghiên cứu, giải mã trình tự gen và xem xét đặc tính của biến chủng virus này. Qua thực tiễn chống dịch, TP.HCM đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong triển khai các kịch bản chống dịch với biến chủng mới.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cần sớm chuẩn bị kịch bản để ứng phó với tình huống biến thể mới xuất hiện và không đáp ứng vắc-xin hiện tại. “Thành phố đang ở giai đoạn cuối cùng của dịch. Đây là thời điểm cần thiết để đánh giá lại ưu, khuyết của quá trình chống dịch vừa qua để rút ra bài học, chuẩn bị cho giai đoạn tới, tránh tình trạng lúng túng khi có tình huống dịch phát sinh”, ông Thức nói.
Ngoài ra, ông Thức cho rằng, để chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch phát sinh, cần có một cuộc họp trên quy mô lớn, quy tụ những người đã trực tiếp tham gia chống dịch để đề xuất, đóng góp ý kiến. “Giờ không phải là lúc nói lý thuyết hay hô hào suông, mà cần những ý kiến thực sự chất lượng, am hiểu thực tế”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu quan điểm.
Linh hoạt chuyển cấp độ dịch
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ông Trần Đắc Phu đề xuất, các địa phương phải đánh giá cấp độ dịch tới tận cấp xã, huyện, để tránh tình trạng chỉ vì một số ổ dịch nhỏ ở các xã, huyện trên địa bàn mà phải đánh giá chung cả tỉnh, thành phố. Việc phân cấp độ dịch của mỗi địa phương cũng cần dựa trên xét nghiệm đánh giá nguy cơ và giám sát dịch tễ để đảm bảo tính chính xác, nhất là với những tỉnh, thành phố xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Từ đây, các địa phương mới có thể đưa ra biện pháp phòng dịch phù hợp, không ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ dịch trên địa bàn cần được các địa phương cập nhật nhanh và thường xuyên. “Không cần phải theo một tần suất cố định nào, mỗi khi tình hình dịch có thay đổi như từ cấp 4 xuống cấp 3, từ vùng xanh lên vùng vàng, các tỉnh, thành phố cần cập nhật ngay với quy mô từ xã, phường”, ông Phu nhấn mạnh.
Một nội dung quan trọng khác để chủ động các tình huống dịch là các cơ sở y tế phải sẵn sàng phương án, nhân lực và giường bệnh, thuốc men và vật tư y tế. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, Bộ đã đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19 và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương triển khai kế hoạch củng cố hệ thống khám chữa bệnh; các cơ sở khám, chữa bệnh có kế hoạch thiết lập khu điều trị Covid-19 để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị Covid-19, thực hiện chuyển tuyến khi vượt quá năng lực chuyên môn; thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý điều trị chặt chẽ ngay tại khu điều trị Covid-19, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ bệnh viện trở thành các ổ dịch, theo đề nghị của Bộ Y tế, các địa phương triển khai các giải pháp để tăng cường chất lượng công tác khám, chữa bệnh và điều trị dịch bệnh; rà soát bảo đảm chỉ định và thời gian điều trị nội trú phù hợp; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; thực hiện kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú trong tối đa 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đa dạng các loại hình khám bệnh, chữa bệnh như khám, chữa bệnh từ xa.