Không còn đầu tư mạnh vào mảng mở rộng chuỗi
Chuỗi cửa hàng AVAKids (thuộc Công ty cổ phần Thế giới Di động), chuyên bán các sản phẩm dành cho mẹ và bé, đã trải qua quá trình nâng cấp cửa hàng và dịch vụ trong cả năm 2023.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới Di động chia sẻ, hiện chuỗi AVAKids có 64 cửa hàng. Bước sang năm nay, Công ty xác định, không chú trọng mở rộng điểm bán, mà tập trung nhiều hơn cho mảng online, bởi khách hàng - các bà mẹ - đang chuyển sang mua sắm online nhiều hơn. Năm 2023, kênh online đóng góp 30% tổng doanh thu của AVAKids.
Sau khi khai trương điểm đầu tiên vào đầu năm 2022, AVAKids nhanh chóng phát triển chuỗi và đạt đỉnh 71 cửa hàng vào cuối tháng 10/2022. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh không thuận lợi từ những tháng cuối năm 2022 khiến mọi kế hoạch của AVAKids phải dừng lại. Số lượng cửa hàng giảm nhanh về còn 64 vào tháng 11/2022 và giữ nguyên từ đó đến nay.
Hệ thống cửa hàng mẹ và bé Kids Plaza cũng chú trọng hơn mảng online. Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Kids Plaza chia sẻ, năm nay, ngành bán lẻ khó khăn, xu hướng mua sắm trực tuyến và trực tiếp đều giảm, nên việc dịch chuyển sang bán hàng online cũng không cải thiện được nhiều. Điều cốt yếu với doanh nghiệp vẫn là tối ưu chi phí, tìm sản phẩm mới phù hợp với xu hướng dịch chuyển này, cắt giảm sản phẩm không thiết yếu…
Năm 2023, Kids Plaza thu hẹp quy mô, còn năm nay, chiến lược của chuỗi là tập trung nghiên cứu sản phẩm.
Trong khi đó, Bibo Mart đang xoay chuyển tình thế khi gây dựng đội ngũ tư vấn chiến lược, cùng xây dựng mô hình mới và tập trung chuyển đổi số trong bán lẻ. Được biết, từ cuối năm 2017, Bibo Mart không còn đầu tư mạnh vào mảng mở rộng chuỗi.
“Bán lẻ chỉ còn là một mảnh ghép rất nhỏ trong hệ sinh thái của Bibo Mart”, bà Trịnh Lan Phương, CEO Bibo Mart nói.
Suốt 5 năm qua, Bibo Mart từng bước tự động hóa mọi quy trình, chuyển mình thành một nền tảng số có thể kết nối với tất cả các bên để tối ưu nguồn lực, cùng phát triển.
Được biết, đến nay, hệ sinh thái số của Bibo Mart đã có sự góp mặt của hàng trăm nhà cung cấp, hàng chục đơn vị sở hữu phương tiện vận tải, kho bãi trên toàn quốc, các ngân hàng, các ví điện tử… Bà Phương đã không ít lần bày tỏ khát vọng muốn xây dựng một nền tảng hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, thay vì mở thêm các cửa hàng vật lý.
Đặt vào bối cảnh hiện tại, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái gây sụt giảm doanh thu, không ít nhà bán lẻ vẫn phải “gánh” chi phí khổng lồ từ việc mở rộng mặt bằng ở giai đoạn trước. Trong khi đó, đời sống số đang lên ngôi, xu hướng mua sắm online đang bùng nổ và xã hội hóa bán lẻ đang phát triển mạnh mẽ.
Theo giới phân tích, việc không chọn đối đầu với hàng triệu người bán lẻ bên ngoài, mà kết nối họ vào hệ sinh thái để cùng cộng sinh là một chiến lược khôn ngoan.
Bắt tay đối tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Nhật
Có thể thấy, hầu hết các chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé trên thị trường hiện nay đều có bóng dáng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó, chuỗi Con Cưng đang thể hiện rõ định hướng “bám chắc” vào hàng tiêu dùng Nhật Bản.
Tháng đầu năm 2024, trong khuôn khổ Dự án Japan Mall, Con Cưng “bắt tay” Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Văn phòng TP.HCM và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử MoMo giới thiệu sản phẩm dành cho trẻ em của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Dự án sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi O2O (tiếp cận khách hàng từ Internet đến cửa hàng thực tế) cho các sản phẩm Nhật Bản đang được bán tại Con Cưng với 699 siêu thị (tính đến ngày 23/1/2024) thông qua việc sử dụng nền tảng MoMo.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO Văn phòng TP.HCM, những năm gần đây, Việt Nam không chỉ trở thành “trụ sở sản xuất” cho các công ty nước ngoài, mà còn là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng, do dân số đông và sức mua ngày càng tăng.
Đặc biệt, thị trường sản phẩm dành cho trẻ em của Việt Nam tiếp tục mở rộng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Euromonitor, giai đoạn 2022 - 2027, quy mô thị trường thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 6%; doanh thu bán lẻ ngành hàng cho trẻ sơ sinh và trẻ em, gồm sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da, chăm sóc tóc, dược phẩm… có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 10%.
Đặc biệt, theo GlobalTradeAtlas, đối với sản phẩm sữa bột trẻ em nhập khẩu vào Việt Nam, Nhật Bản đứng đầu về giá trị nhập khẩu theo quốc gia (303,94 triệu USD, năm 2022), chiếm thị phần 20% và giá trị nhập khẩu ngày càng tăng qua các năm.
Đại diện Con Cưng chia sẻ, trong năm 2023, hệ thống Con Cưng đã phân phối hơn 3,5 triệu sản phẩm Nhật Bản trên cả nước ở tất cả các nhóm hàng, như dinh dưỡng cho mẹ và bé, sản phẩm chăm sóc trẻ, thực phẩm chức năng… và ghi nhận doanh số gần 40 triệu USD. Con Cưng đang liên kết với nhiều nhà sản xuất của Nhật Bản, đồng thời có vai trò là nhà phân phối chính hãng các thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam.