Đầu tư Phát triển bền vững
Chuyên gia châu Âu “hiến kế” đưa Tây Ninh thành trung tâm xuất khẩu nông nghiệp bền vững
Việt Dũng - 03/06/2023 09:21
Nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất lớn nhưng chưa khai thác, các chuyên gia thuộc EuroCham đã đưa ra nhiều kiến nghị để tỉnh Tây Ninh trở thành trung tâm xuất khẩu nông nghiệp bền vững.

Nhiều lợi thế để phát triển

Ngày 2/6, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, xét về vị trí địa lý, Tây Ninh là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng phía Tây Nam của tổ quốc. Có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của quốc gia, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đồng thời, có đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước Hồ Dầu Tiếng dồi dào.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Việt Dũng)


Trên cơ sở phát huy lợi thế đó, tỉnh Tây Ninh đã và đang tập trung triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.

“Đây là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”, ông Ngọc nói.

Dưới góc nhìn từ nhà đầu tư nước ngoài, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, ngoài những lợi thế về vị trí địa lý thì nguồn tài nguyên đất đai dồi dào của tỉnh Tây Ninh cũng là một điểm mạnh. Thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn…

“Khí hậu thuận lợi càng khẳng định Tây Ninh là ứng cử viên lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Phù hợp với quy hoạch phát triển Điện lực số 8 của Việt Nam và thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng”, ông Gabor Fluit nói.

Chủ tịch EuroCham cho biết thêm, trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Tây Ninh. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Tây Ninh có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng nửa tỷ dân của Liên minh Châu Âu.

Thay đổi để phát triển

Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, tỉnh Tây Ninh có được nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp giá trị cao. Tuy nhiên, việc tái đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn hạn chế do biến động giá đầu ra, dịch bệnh… tăng chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn (Vietgap, GlobalGap…). Chính vì vậy, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp để đưa tỉnh Tây Ninh trở thành trung tâm xuất khẩu nông nghiệp bền vững.

Trao đổi và kết nối bên lề Diễn đàn.


Ông Paul-Antoine Croize, Phó chủ tịch Tiểu ban ngành kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản thuộc EuroCham cho rằng, “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề này chính là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chế biến sâu. Cách để đạt được nhiều giá trị hơn từ sản lượng nông nghiệp đồng thời có khả năng được bảo vệ tốt hơn khỏi rủi ro dịch bệnh. 

Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Paul-Antoine Croize chia sẻ, năm 2003, ngành chăn nuôi gà Thái Lan đã mất khả năng xuất khẩu thịt gà sang các thị trường lớn do dịch cúm gia cầm. Để đối phó với điều đó, họ đã phát triển ngành công nghiệp thịt gà nấu chín có giá trị gia tăng và đã mang lại kết quả đạt được hơn cả mong đợi. 

“Những sản phẩm như vậy có tính chuyên môn cao. Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGap, cần chú trọng phát triển nghiên cứu và phát triển thị trường (R&D), tiếp thị ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu quốc tế”, vị chuyên gia này nói.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản (FAABS) của EuroCham Jesper Clausen khuyến nghị, cần đảm bảo các yêu cầu đăng ký và ghi nhãn thức ăn chăn nuôi cập nhật hơn; giảm mức đăng ký khẩu phần tối thiểu. 

Chỉ rõ và giám sát lợi ích thực tế về việc sử dụng thức ăn hiệu quả hơn và tác động tích cực của nó đối với việc tăng tính bền vững của ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt hơn các quy định và kiểm tra việc ghi nhãn sản phẩm kháng sinh. Hạn chế khả năng tiếp cận với các loại thuốc chống vi trùng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe con người. 

Diễn đàn là nơi trao đổi và kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.


Ở góc độ khác, ông Sergio Silva, Phó chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của EuroCham kiến nghị, tỉnh Tây Ninh có tiềm năng lớn trong việc phát triển điện mặt trời nhờ tổng số giờ nắng lên đến 2.600 giờ/năm. Vì vậy cần khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tự tiêu thụ và sử dụng đồng hồ đo sau giờ để chuyển giao năng lượng giữa các công ty, giảm chi phí và tăng tự chủ. Ngoài ra, Tây Ninh nên tập trung vào nguồn năng lượng sinh khối để tận dụng hệ sinh thái nông nghiệp sẵn có tại địa phương.

“Chúng tôi tại Tiểu ban Ngành Phát triển Xanh của EuroCham hoàn toàn ủng hộ Tây Ninh trong việc phát triển để trở thành điểm đến đầu tư trong khu vực và một mô hình trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và sẵn sàng hợp tác với Tây Ninh trên hành trình này”, ông Sergio Silva nói.

Về các biện pháp thu hút đầu tư, Chủ tịch EuroCham mong tỉnh Tây Ninh sẽ khuyến khích việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn. Thủ tục hành chính tinh gọn sẽ giảm thời gian và khối lượng thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải giải quyết. 

Các hệ thống công trực tuyến và chính sách thuế minh bạch sẽ mang lại cho các nhà đầu tư sự tự tin cần thiết để đầu tư dài hạn, giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững. Các sáng kiến khuyến khích phù hợp, chẳng hạn như chính sách giảm thuế hoặc trợ cấp, cũng rất cần thiết.

Kết thúc Diễn đàn, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Lễ ký kết MoU với các tổ chức và doanh nghiệp nhằm phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác