Theo giới chuyên gia, tài chính carbon là khái niệm mới tại Việt Nam, nên dễ dẫn đến tình trạng sai lệch trong truyền tải thông tin.
Tiêu biểu như thông tin về thương vụ chuyển nhượng tín chỉ carbon trị giá hơn 50 triệu USD từ rừng của Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố hồi cuối tháng 12/2023. Theo ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thương mại Intraco, thương vụ này bản chất không được coi là hoạt động mua bán tín chỉ carbon.
Với kinh nghiệm của một người trong nghề, ông Dũng đánh giá đây là khoản tài trợ không hoàn lại cho việc giảm phát thải carbon của Việt Nam, nhằm đáp ứng cam kết giảm phát thải do quốc gia tự quyết định (gọi tắt là NDC), chứ không liên quan đến việc đăng ký phát hành hay mua bán tín chỉ carbon từ dự án trồng rừng.
“Tôi khẳng định cho tới thời điểm này, chưa từng có công ty hay tổ chức nào của Việt Nam đăng ký, phát hành và bán được tín chỉ carbon từ dự án trồng rừng cho nước ngoài. Vì muốn bán được phải xác định được khu vực trồng rừng đó có nằm trong quy hoạch giảm phát thải của Việt Nam cam kết với quốc tế hay không, tránh việc tính trùng (double counting) theo quy định trong điều 6 của thoả thuận Paris”, đại diện Intraco nói thêm.
Trước đó, thông tin xuất phát từ Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, tương đương 10,3 triệu tấn CO2 cho WB với đơn giá 5 USD/tấn, để thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Đồng quan điểm với ông Hoàng Anh Dũng, ông Nguyễn Trường Giang, chuyên gia môi trường - xã hội của Eurofins Việt Nam nói rằng khoản thu trên không được xếp vào mua bán tín chỉ carbon. Ông Giang cho biết, mặc dù thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và World Bank có các điều khoản cụ thể về đơn giá chi trả, đơn vị xác minh, hoạt động chuyển giao nhưng “hàng hóa” mua bán ở đây không phải tín chỉ carbon, mà là "kết quả giảm phát thải", hay ngắn gọn là "tấn carbon".
“Tín chỉ carbon, sau khi mua bán xong, có thể sử dụng như biện pháp bồi hoàn (offset) cho một bên khác có lượng phát thải cao. Còn trong thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB, lượng giảm phát thải carbon không được sử dụng cho bên nào mà sẽ được giữ lại. Ngoài ra, sau khi thanh toán xong, lượng phát thải này vẫn tiếp tục được tính vào cam kết tự nguyện của Việt Nam (NDC) trong giảm tổng lượng phát thải”, đại diện Eurofins Việt Nam chia sẻ cùng Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.
Ông Giang nhấn mạnh, trong thương vụ giữa Việt Nam và WB, không nên mặc định 10,3 triệu tấn CO2 tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.
“Một tấn CO2, khi được đăng ký trong trong các chương trình giảm phát thải carbon và đặt trong thị trường carbon, sẽ tương đương với một tín chỉ carbon. Như vậy 1 tấn CO2 sẽ trở thành 1 tín chỉ carbon, phụ thuộc vào quy định và tiêu chuẩn của từng chương trình hoặc thị trường carbon cụ thể, được xác minh, và cấp ”credit”. Trong trường hợp này, chúng ta nên hiểu Việt Nam thu hơn 50 triệu USD từ việc giảm 10,3 triệu tấn carbon bằng phương pháp tránh phá hủy và suy thoái rừng , chứ không phải bán 10,3 triệu tín chỉ carbon”, vị chuyên gia cho biết.