Ngày 20/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cùng Công ty DO Green tổ chức Hội thảo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.”
Thực trạng chất thải rắn tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt.
Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mới có 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và chỉ có 15% trong số đó được chôn lấp hợp vệ sinh.
Tại Hội thảo, ông Lê Công Lương, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng. vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí metan - một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính.
“Trước những thách thức này, rất cần những giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải”, ông Lương nhấn mạnh.
Ông Lê Công Lương, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt hiệu quả cao.
Chỉ ra nguyên nhân gây ra những thực trạng trên, ThS. Đặng Huy Đông, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển cho rằng: “Mỗi năm, có hàng nghìn tỷ đồng ngân sách đã chi cho dịch vụ xử lý rác thải, nhưng “tiền mất tật mang", môi trường vẫn bị ô nhiễm ngày một trầm trọng. Nguyên nhân chính là từ bất cập, sai phạm trong việc lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ để xây dựng nhà máy cung cấp dịch vụ xử lý rác thải, chủ yếu là chỉ định thầu hoặc đấu thầu mang tính hình thức”.
Có thể hiểu rằng, thực tế không phải do thiếu vốn đầu tư mới dẫn đến tình trạng xử lý rác thải gặp khó khăn, bởi ngay từ đầu, khâu xử lý rác thải đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đã có nhiều bất cập. Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hoá diễn ra rất nhanh, khiến cho tỷ lệ lượng rác thải tăng mạnh, tăng 10 - 16%/năm, trong khi điều kiện hạ tầng chạy theo không kịp.
Ví dụ, về khâu quy hoạch, khâu dự báo để quy hoạch, các khâu từ tập kết, đưa về các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, mưa gió khiến rác thải rò rỉ, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí…
Kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới, khi thu gom chất thải dù ít hay nhiều họ đều áp dụng các công nghệ xử lý chất thải hiện đại như hệ thống lưu giữ tạm thời tập kết nửa nổi, nửa chìm, hoặc chìm hẳn. Do vậy, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao nhằm giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Đề xuất nhiều giải pháp
Ông Lê Công Lương nhận định rằng: “Một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là khuyến khích tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thuỷ tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế…”
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế.
Đặc biệt, chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hoá quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt hay chuyển thể chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.
Ví dụ, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt như biogas từ quá trình phân huỷ sinh học để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm thiểu nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.
Là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển hoá chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, Công ty TNHH Do Green đang áp dụng, phát triển mô hình nhà máy đốt rác bằng công nghệ khí hóa hiện đại, tiên tiến tại Hưng Yên. Công ty TNHH Do Green đã phát triển kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa bằng cách chuyển đổi tất cả chất thải rắn thành các sản phẩm tái chế hữu ích; tác động ít nhất đến môi trường; phát thải carbon âm.
Sơ đồ phương pháp khí hoá của Công ty Do Green. |
Đáng chú ý, Công ty Do Green đã ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến rác bằng phương pháp khí hóa dựa trên cơ sở công nghệ nguồn gồm: Hệ thống lò khí hóa chất thải rắn đa nhiên liệu; Động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu khí tổng hợp Syngas được khí hóa từ chất thải rắn.
Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu để định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp bởi nhà đầu tư quan tâm đến 2 vấn đề là lợi nhuận và đáp ứng quy chuẩn bảo vệ môi trường. Do vậy, muốn được lựa chọn công nghệ tốt thì định mức kinh tế kỹ thuật phải rõ ràng, minh bạch. Ví dụ, thu gom xe 3 bánh đẩy giá khác, xe cuốn xe ép khác, giá chôn lấp hợp vệ sinh sẽ khác, giá đầu tư công nghệ cao cũng sẽ khác.
“Trong tương lai, Chính phủ và các tổ chức có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sáng tạo. Cần khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào các dự án nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of Things)... để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.”, ông Lương kỳ vọng.