Chàng công tử Hồ Hữu Thăng khi xưa đã tự mình trưởng thành để làm trụ cột cho cả gia đình |
Từ “công tử” trở thành nông dân
Một buổi chiều của 17 năm trước, khi chuẩn bị bước vào trận chung kết nội dung đối kháng Võ cổ truyền tỉnh Quảng Trị, trong tâm trạng hoang mang, lo lắng bởi gặp phải đối thủ “ép cân” (to hơn, cao hơn), gần như 2 bàn chân tôi lúc ấy nhũn ra và mất hết tinh thần.
Ngay lúc đó, Thăng bước đến tát tôi mấy cái để trấn an và giúp tôi tĩnh tâm trở lại. Sau đó, Thăng ngồi luôn ở góc thảm thi đấu để làm huấn luyện viên “chỉ đạo đòn” cho tôi. Sau mấy cái tát đó, tôi trấn tĩnh lại và bước vào “đôi công” với đối thủ, bất chấp chênh lệch chiều cao, thể hình. Kết thúc trận đấu, mặc dù thua điểm sát sao, nhưng tôi đã biết buông bỏ nỗi sợ hãi khi gặp đối thủ hơn mình.
Thăng là vậy, luôn biết cách nhìn ra những ưu, nhược điểm của người khác để đưa ra lời khuyên chính xác. Và cậu ta cũng biết tự mình đưa ra lựa chọn, quyết định đúng đắn trong những bước ngoặt cuộc đời.
Tôi khá lo lắng khi quyết định viết về Thăng, không chỉ vì mối quan hệ giữa hai chúng tôi, mà bởi trước đó, rất nhiều cơ quan truyền thông, từ Trung ương đến địa phương, viết về cậu như một mô hình điểm, một tấm gương sáng đầy nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu.
Tôi và Thăng chơi thân với nhau từ những ngày niên thiếu, khi cả hai thường xuyên tham gia các giải đấu Võ cổ truyền của tỉnh Quảng Trị. Ba của Thăng - võ sư Hồ Văn Hinh, Phó chủ tịch Hội Võ cổ truyền Quảng Trị là anh họ và cũng là thầy của thầy tôi. Do đó, tôi cũng gọi ông là thầy.
Trong ký ức của tôi, Thăng tuổi 15 giỏi võ, đẹp trai, mái tóc dài bồng bềnh, lãng tử. Khi đó, điều kiện kinh tế của thầy tôi (võ sư Hồ Văn Hinh) rất vững vàng. Trong thời kỳ kinh doanh buôn bán gỗ ở đỉnh cao, thì doanh nghiệp của thầy tôi (chuyên về buôn bán, kinh doanh gỗ và xây dựng) rất có tiếng ở khu vực miền Tây Quảng Trị. Do đó, Thăng đích thực là một đại thiếu gia đúng nghĩa ở “phố núi” Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) khi ấy.
Bẵng đi nhiều năm sau, tôi và Thăng không còn gặp lại nhau, khi cả hai bước vào cánh cửa đại học.
Năm 2017, Thăng bất ngờ liên lạc qua Messenger và nhờ tôi hỏi về một số khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Agribank dành cho chăn nuôi trang trại. Khi ấy, tôi mới biết, gia đình Thăng đã gặp những biến cố lớn.
“Năm đó, trong quá trình kinh doanh gặp phải việc người ta ‘mượn’ rất nhiều gỗ từ xưởng gỗ của gia đình, rồi họ không trả lại được, nên gia đình mất trắng tiền vốn. Rồi vận đen liên tiếp xảy đến, các khoản đầu tư làm ăn khác của Công ty cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ, mất trắng. Cơ ngơi, nhà cửa cứ thế đội nón ra đi”, Thăng nhớ lại.
Trong biến cố đó, võ sư Hồ Văn Hinh đã suy sụp tinh thần, rồi ốm nặng. Căn nhà đang ở của thầy cũng phải bán đi và cả gia đình chuyển ra sinh sống ở rẫy cà phê rộng hơn 3 ha - thứ tài sản còn lại, cách nơi ở cũ hơn 2 km. Và Thăng, từ một “công tử” con nhà giàu, chỉ biết ăn chơi, đã phải tự mình “trưởng thành” để làm điểm tựa cho cả gia đình.
Khu vực hồ cá ở giữa thung lũng Khe Sanh Valley Farm |
Quả ngọt từ những quyết định chính xác
Biến cố xảy đến làm suy sụp tinh thần của một võ sư can trường như thầy tôi, nhưng không thể làm nhụt chí một chàng trai trẻ như Thăng. Bỏ dở việc học, Thăng trở về và trở thành một nông dân thứ thiệt. Cậu chấp nhận gạt đi qua quá khứ để bước vào một cuộc sống mới với bao khó khăn, thử thách phía trước.
Những năm đó, giá cà phê xuống thấp, doanh nghiệp thu mua ép giá, nên doanh thu từ rẫy cà phê gần như chỉ đủ chi trả tiền công chăm sóc, phân bón. “Nhìn cả khoảng đồi mênh mông mà lòng nặng trĩu, không biết nên bắt đầu từ đâu”, Thăng chia sẻ.
Thế rồi, chán cảnh “làm chủ mà như làm thuê” cho doanh nghiệp, Thăng quyết định chặt hết rẫy cà phê để tính đường khác. Với ít vốn liếng vay mượn được, Thăng bàn với thầy tôi mua thêm 3 ha đất sát cạnh rẫy cà phê để mở rộng trang trại, rồi thuê máy về san gạt, từng bước tạo hình lại quả đồi, đào thêm ao cá, lắp đường điện…
“Mỗi ca máy xúc có giá 6 triệu đồng, mà làm từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… Rồi có những vị trí máy móc không làm được, thì bản thân phải tự san gạt, múc bằng cuốc, xẻng. Đến cuối năm 2020, gặp đợt lũ lụt lịch sử, vườn đồi bị sạt lở, đất cát trôi xuống lấp hết cả vườn, ao cá. Rồi lại phải thuê máy móc về xử lý cả tháng. Nói chung, khó khăn, vất vả không biết bao nhiêu mà kể”, Thăng kể.
Và để sớm có nguồn thu nhằm trang trải cuộc sống cũng như tái đầu tư mở rộng trang trại, qua tính toán, Thăng quyết định nuôi trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu của vùng Khe Sanh, như rau, chuối, dứa, dừa xiêm, đồng thời nuôi thêm cá, gà, vịt, ngan, ngỗng, dê, bò, thậm chí cả lợn rừng… Đây được xem là một quyết định sáng suốt của Thăng khi địa bàn huyện Hướng Hoá có nhu cầu tiêu thụ nông sản khá cao, bởi nơi đây có 2 “phố núi” sầm uất là thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo (có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tiếp giáp với nước bạn Lào).
Nhờ khí hậu thuận lợi, đất bazan phì nhiêu, màu mỡ, cộng với sự chăm chỉ, chịu khó, sau vài năm, trang trại của Thăng có hơn 100 con lợn, bò, dê; 500 con gà, vịt, ngan, ngỗng thả vườn… các loại. Thăng cũng tiến hành thả nuôi các loại cá chép, rô phi, cá trê, cá lóc… tại 5 ao cá với tổng diện tích hơn 1 ha ngay giữa thung lũng. Ở khu vực dốc triền đồi, Thăng trồng thêm hơn 500 cây cam, quýt, chanh và hơn 2 ha dứa.
Với phương châm trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức hữu cơ, không dùng các loại hoá chất, sản phẩm nông sản sạch từ trang trại của Thăng dần chiếm lĩnh thị trường miền Tây Quảng Trị và được thương lái đến thu mua tận vườn.
Thăng phân tích: “Số lượng dê nuôi và lợn rừng không đủ đáp ứng nhu cầu cho mấy nhà hàng, quán nhậu ở thị trấn. Bạn cứ tính, trung bình mỗi ngày quán họ tiêu thụ 2 con, thì để đáp ứng được nhu cầu của họ, mình phải nuôi đàn dê, lợn rừng lên đến hàng trăm con. Trong khi đó, với rau - củ - quả, họ đến thu mua tận nơi, mình không phải mất công mang đi bán”.
Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả, một quyết định chính xác khác của Thăng đã biến trang trại tổng hợp này trở thành một farmstay (mô hình du lịch canh nông) nổi tiếng nhất nhì tỉnh Quảng Trị.
Thăng kể, đi tham quan, học hỏi, tìm hiểu một số nơi, anh nhận thấy mô hình farmstay đang manh nha phát triển, đặc biệt tại Đà Lạt. Trở về, Thăng quyết định “thanh lý” hết đàn dê, bò và trồng thêm các loại hoa trên phần diện tích hơn 1 ha. Đồng thời, tận dụng tre nứa, gỗ mít có sẵn trông rẫy, Thăng dựng thành các bungalow và các chòi tre để tạo thành các tiểu cảnh phục vụ du khách đến tham quan, “check-in”, câu cá hoặc nghỉ qua đêm.
Thăng đặt tên cho mô hình mới của mình là “Khe Sanh Valley Farm”. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Khe Sanh Valley Farm bất ngờ được cộng đồng chú ý, khi hàng trăm bức ảnh đẹp lung linh được đăng tải trên mạng xã hội. Hiệu ứng từ đây giúp Khe Sanh Valley Farm được biết đến nhiều hơn, thu hút đông đảo du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Không chỉ cung cấp địa điểm “check-in” lý tưởng cho du khách, từ các sản phẩm nông sản đã có sẵn, Thăng mở rộng thêm hoạt động kinh doanh ẩm thực phục vụ du khách đến tham quan trang trại. Các món ăn đa phần do Thăng làm đầu bếp chính với phụ bếp là những người thân trong gia đình.
“Mình cũng không ngờ, trang trại lại nổi tiếng nhanh đến vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, khách từ khắp nơi, cả trong và ngoài tỉnh, đến rất đông, nhất là vào các ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều khi, cả gia đình phải huy động hết nhân lực mới kịp phục vụ khách”, Thăng chia sẻ.
Nguồn khách tham quan, lưu trú tăng kéo theo doanh thu từ dịch vụ tăng lên, kết hợp với nguồn thu từ bán nông sản đã từng bước giúp Thăng và gia đình vượt qua khó khăn. Các khoản nợ nần lần lượt được xử lý, giúp tinh thần của thầy tôi ngày một phấn chấn hơn, vững vàng hơn.
Điều đáng mừng hơn, Khe Sanh Valley Farm đã trở thành một mô hình mẫu của sản phẩm du lịch canh nông trên địa bàn miền Tây Quảng Trị. Từ đây, nhiều farmstay khác mọc lên và thu hút thêm nhiều du khách đến với địa phương.
Cũng vì thế, UBND huyện Hướng Hoá đã được UBND tỉnh Quảng Trị tin tưởng giao xây dựng Đề án Phát triển du lịch lịch cộng đồng, du lịch canh nông giai đoạn 2023 - 2025 để trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ các mô hình mới này.
Nhấp chén rượu mừng ngày xa lâu gặp lại, bất chợt nhìn ra phía trước thung lũng, nơi cả một cơ ngơi rộng lớn đã được dựng lên và bước đầu gặt hái quả ngọt, Thăng trầm ngâm: “Nếu không có biến cố, có khi, giờ mình vẫn là một thanh niên thích ăn chơi, phá phách, sống bám vào gia đình. Đôi khi nghiệm lại, thấy biết ơn biến cố đó. Nó làm mình trưởng thành và biết được bản thân mình mạnh mẽ rao sao”.
Nhìn Thăng, tôi lại chợt nghĩ, thành công đó có lẽ không chỉ xuất phát từ một lý trí sáng suốt, mà còn đến từ thứ nội lực ẩn sâu bên trong con người Thăng, thứ nội lực mà người ta gọi là “bản ngã con nhà võ” - vốn có sẵn, nhưng phải đến thời điểm phù hợp mới khởi phát.