CMC Telecom sở hữu tuyến cáp xuyên Việt duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á |
Dấu ấn cổ đông ngoại
CMC Telecom là công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG, sàn HOSE). Hồi giữa năm 2015, công ty này đã bán 25% cổ phần cho đối tác Malaysia là TIME dotCom Berhad (TIME), tổng trị giá thương vụ là 12 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên, một công ty hạ tầng viễn thông có cổ đông chiến lược nước ngoài.
TIME dotCom là doanh nghiệp có thế mạnh về xây dựng các tuyến cáp viễn thông trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế, vì vậy, sau khi có hậu thuẫn từ TIME dotCom Berhad, CMC Telecom đã có cơ sở để nuôi tham vọng lớn và chính việc xây dựng các tuyến cáp viễn thông được CMC Telecom đặc biệt quan tâm trong chặng được tạo dựng vị thế của mình.
18 tháng năm sau khi bắt tay TIME dotCom, vào cuối 2016, CMC Telecom đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển quốc tế APG. Tuyến cáp quang này có khả năng cung cấp băng thông 54Tb/s, mang lại tốc độ Internet nhanh hơn gần 20 lần so với cáp biển AAG cũ.
Ngay sau khi vận hành tuyến cáp APG, CMC Telecom lập tức triển khai một dự án lớn hơn. Theo đó, đầu năm 2017, công ty này đã khởi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cáp xuyên Việt (Cross Vietnam Cable System - CVCS). Với tổng chiều dài hơn 2.500 km (từ Lạng Sơn đến Tây Ninh) tuyến cáp đi qua 19 tỉnh thành trên cả nước có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng và là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á (A Grid). Theo đó, Việt Nam đã chính thức nằm trong mạng lưới khu vực, kết nối qua các quốc gia Malaysia, Singapore, Campuchia và Thái Lan.
Thị trường Việt Nam và toan tính của TIME dotCom
Rõ ràng, việc TIME dotCom lựa chọn một công ty hạ tầng viễn thông Việt Nam để rót vốn và sau đó cùng đối tác này đẩy mạnh các hoạt động đầu tư các tuyến cáp quang trong nước và quốc tế chứng tỏ những tham vọng không nhỏ của đại gia này tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, trong suốt 2 năm qua, kể từ sau thương vụ đầu tiên mua 25% cổ phần tại CMC Telecom, TIME dotCom vẫn tiếp tục mua thêm cổ phần tại công ty này và đến thời điểm hiện tại, TIME dotCom đã sở hữu 46% tại công ty hạ tầng viễn thông Việt Nam này.
Xa hơn nữa, thị trường Việt Nam có thể cũng chỉ là bước đệm cho TIME dotCom trong một cuộc viễn chinh, bởi theo ông Afzal Abdul Rahim, Tổng giám đốc TIME dotCom, việc mua cổ phần CMC Telecom là bước đầu tiên của TIME dotCom tiếp cận thị trường Việt Nam và mục tiêu xa hơn là thị trường Đông Dương.
Hiện tại, một câu hỏi được đặt ra là, trong thời gian tới, TIME dotCom có tiếp tục nâng cổ phần nắm giữ tại CMC Telecom hay không? Đây là vấn đề mà cả phía công ty mẹ của CMC Telecom (Tập đoàn CMC) và đại diện TIME dotCom không muốn hé lộ, nhưng nếu xét về cục diện hiện tại, rõ ràng, TIME dotCom đang trên đà “thừa thắng tiến lên” và sẽ không muốn dừng bước với gì vừa gặt hái được.
Trong khi đó, xét về thực lực tài chính thì Tập đoàn CMC cũng không chịu bất cứ áp lực gì về tài chính để phải thoái bớt vốn tại CMC Telecom và nhường quyền kiểm soát công ty cho cổ đông ngoại. Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 đã soát xét (năm tài chính tính từ 1/4/2017 đến 31/3/2018), Tập đoàn CMC đang có vốn chủ sở hữu gần 1.200 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 2.600 tỷ đồng. Nợ phải trả tuy nhỉnh hơn vốn chủ sở hữu một chút, nhưng cơ cấu tài sản ngắn hạn của CMC khá lớn, đạt 1.560 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tài sản dài hạn trị giá 1.083 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản này cho thấy công ty vẫn đang trong trạng thái khá chủ động về tài chính.