Không nhân nhượng
Cuối cùng, Bộ Công thương đã phải lên tiếng giải tỏa mối lo về khả năng tái diễn điều kiện kinh doanh vô lý, thậm chí cả giấy phép con trong lĩnh vực kinh doanh các loại siêu thị, trung tâm thương mại...
Trên trang thông tin chính thức, cùng với những lời cảm ơn về những góp ý, Bộ Công thương đã cam kết về việc không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh các giấy phép con, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp... tại Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.
Bộ Công thương đã cam kết không tạo thêm giấy phép con gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại. Ảnh: Đức Thanh |
Trước đó, chỉ khoảng nửa tháng, sau khi Bộ Công thương công bố dự thảo trên, khi đó còn có tên là Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, thì đã có hàng chục bài viết về những điều vô lý liên tục được đăng tải trên nhiều tờ báo.
Sức nóng đẩy dần khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiếp đó là Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) lên tiếng nghi ngờ về khả năng tái diễn giấy phép con khi quá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng mục tiêu quản lý nhà nước không rõ.
Ngôi sao sáng nhất của cuộc chiến với hàng rào điều kiện kinh doanh vài tháng trước đã trở thành “nhân vật” bị báo chí soi, thậm chí nghi ngờ cả bản chất thực của những cam kết cải cách đưa ra trước đó trong đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, dù quyết định đã được Chính phủ ký ban hành.
Thực ra, không quá khó để nhìn thấy sự vô lý khi phân tích sâu nội dung Dự thảo. Đó là những điều khoản về diện tích của siêu thị, số lần được phép thực hiện giảm giá trong năm, hay thậm chí là những quy định về tên gọi các chương trình giảm giá này...
Đặt những quy định này bên cạnh chính đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Bộ này chủ động xây dựng và công bố trước đó, nhất là nguyên tắc sẽ tìm phương pháp thay thế cách quản lý bằng điều kiện kinh doanh, những mối lo ngại về những rào cản mới mà VCCI hay AVR đặt ra có lẽ còn khá nhẹ nhàng...
Còn nếu đặt Dự thảo này vào mục tiêu của Chính phủ về rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp trong năm nay, dường như bộ này đã “bỏ ngoài tai” yêu cầu cải cách của Thủ tướng Chính phủ...
Mối lo gốc rễ
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong bài trả lời phỏng vấn báo chí về trường hợp trên của Bộ Công thương, đành phải gọi tên sự dùng dằng này là “tư duy chưa thực sự thị trường”, dù trước đó ông đã ủng hộ hết lòng những đề xuất của ngôi sao sáng này.
“Tôi muốn gọi đây là những tồn tích của những tư duy cổ lỗ sĩ, nếu không gạt bỏ sạch, những đề xuất tương tự sẽ còn tái diễn cả ở cơ quan hoạch định chính sách”, ông Cung nói.
Thực ra, vào đầu năm 2018, khi Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, báo chí cũng đã rất tốn giấy mực trong cuộc chiến với những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Khi đó, ông Cung cũng đã lên tiếng cảnh báo về tư duy cổ lổ sĩ, thiếu tính thị trường trong nhóm doanh nghiệp đã thiết lập không gian kinh doanh riêng, được bao bọc bởi các điều kiện kinh doanh.
Khi đó, Dự thảo đã bãi bỏ quy định số lượng xe tối thiểu đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, như doanh nghiệp taxi phải có tối thiểu 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải là 50 xe, vì cơ quan soạn thảo là Bộ Giao thông - Vận tải hiểu rất rõ, điều kiện này không phục vụ các mục tiêu như đảm bảo toàn giao thông, giảm tại nạn giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...
Nhưng, phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại có ý kiến không đồng tình. Họ muốn giữ lại điều kiện về số lượng xe.
“Tôi lo lắng với tư duy này, vì họ đang bảo vệ những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đang hoạt động, thay vì đáng ra phải ủng hộ mở cửa thị trường, mở rộng người chơi để tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho thị trường vận tải ô tô”, ông Cung nói với phóng viên Báo Đầu tư khi đề nghị báo chí cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn vấn đề này.
Ông Cung lo rằng, nếu các hiệp hội doanh nghiệp không vượt qua được lợi ích nhóm, không đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh lên trên khi tham gia phản biện, xây dựng chính sách, chính họ lại là người kìm hãm sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Sức ép không giới hạn
Khá nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới các bài phản ánh khó khăn của doanh nghiệp trên báo chí để gây sức ép cho các thành viên Chính phủ.
Câu chuyện 1 chiếc bánh socola gánh 13 thủ tục và sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ - CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, thay thế “nỗi kinh hoàng” mang tên Nghị định 38/2012/NĐ -CP của các doanh nghiệp trong ngành là ví dụ điển hình. Lần đầu tiên, Bộ Y tế có tên trong danh sách những ngôi sao của cải cách khi tư duy quản lý cũ được thay thế bởi cách nhìn hợp thời đại, theo thông lệ quốc tế.
Nhưng, các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế sẽ không thành công, nếu như chỉ trông vào sự thay đổi của từng cơ quan, tổ chức riêng lẻ.
Có lẽ phải nhắc tới bức thư gửi đích thân ông Nguyễn Đình Cung của ông Vũ Văn Hà (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) vào tháng 4/2018 vừa rồi. Trong thư, ông Hà viết: “Nếu môi trường kinh doanh ở Việt Nam mà như ở Nhật, tôi còn làm ở doanh nghiệp tư vấn xây dựng đến tận năm 80 tuổi, vì đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm rồi. Nhưng vì hành nghề ở Việt Nam nhiều trở ngại quá, nên tôi nghỉ, nhưng mong anh quan tâm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hiện tại”.
Ông Cung đã nhận lời gửi gắm này của ông Hà và nhiều doanh nghiệp khác. Một danh sách liệt kê 37 khó khăn, vướng mắc phổ biến của doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư đã được gửi tới Tổ chuyên gia kinh tế của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2018, kèm các giải pháp rất cụ thể, chi tiết tới từng điều khoản.
Nguyên nhân của các khó khăn này cũng được liệt kê chi tiết, tựu chung do các quy định thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn trong pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường... và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Báo chí không xa lạ với những tính từ đầy biểu cảm mà CIEM dùng để lột tả bản chất phức tạp của thủ tục đầu tư xây dựng hiện hành. Vào năm 2016, ngay sau khi các văn bản luật trên được ban hành, những diễn đàn về nội dung này đã được nhiều cơ quan báo chí tổ chức, đỉnh điểm là đề xuất sửa tới 50 văn bản luật với 150 điều khoản của VCCI, nhưng tình hình không mấy biến chuyển.
“Chúng tôi đã có những nghiên cứu, chỉ cần thay đổi một vài quy định, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn khi hàng loạt chi phí không cần thiết bị cắt bỏ, như việc phân quyền quản lý thiết kế cơ sở cho địa phương thay vì tập trung ở Bộ Xây dựng như quy định hiện hành... Nhưng nhiều người bị mất đi quyền lợi nên không muốn thay đổi, thậm chí là cản trở cải cách. Ngay cả các cơ quan không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng không muốn thay đổi, vì... ngại động chạm...”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI lý giải.
Hệ quả là, khác với những động thái liên tục trong cải cách, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hay kiểm tra chuyên ngành và cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác, cho đến nay, về cơ bản những điều bất hợp lý, không còn phù hợp... trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chưa được bãi bỏ; sự phức tạp của chúng chưa được đơn giản hóa; những chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng... chưa được bổ sung, sửa đổi.
Nhưng tình hình đang thay đổi, khi sức nóng cải cách đang lan rộng, tràn tới mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Với sức ép từ xã hội, đòi hỏi cải cách từ thực tiễn, sẽ không có vùng nào còn là cấm địa với tư duy của nền kinh tế thị trường...