Sông Cổ Cò. Ảnh: Thu Minh |
Vị trí kết nối
Dù chỉ dài 28 km, nhưng sông Cổ Cò có khả năng kết nối tới hầu hết các điểm đến nổi tiếng của vùng lõi du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng như đèo Hải Vân, núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, phố cổ Hội An, sông Thu Bồn.
Ngày nay, Cổ Cò chảy qua Điện Dương, nơi được xem là trái tim của chuỗi đô thị Điện Bàn (Quảng Nam), cầu nối giữa phố cổ Hội An và Đà Nẵng, với nhiều dự án quy mô lớn. Khách du lịch men theo đường thủy này có thể từ Đà Nẵng đến Cửa Đại, hình thành một tuyến du lịch quy mô với tiềm năng du lịch và đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, với địa thế bằng phẳng, hai bên bờ sông Cổ Cò có cây xanh bao quanh, đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn trong việc hình thành những dự án bất động sản kiểu mẫu như khu đô thị sinh thái, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao hoặc biệt thự bên sông.
Hạ tầng giao thông đồng bộ
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, khu vực Cổ Cò còn là trọng điểm đầu tư hạ tầng của Quảng Nam – Đà Nẵng. Tháng 6/2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt hồ sơ mời thầu khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và xây dựng công trình đường và cầu qua sông Cổ Cò với chiều dài toàn tuyến 1,21 km, điểm đầu từ nút giao với đường Trần Đại Nghĩa - Võ Chí Công đến điểm cuối là nút giao với đường Võ Quý Huân và đường ven sông Cổ Cò thuộc khu dân cư Tân Trà. Dự án trị giá mời thầu trên 181 tỷ đồng.
Cầu nối qua sông Cổ Cò sẽ là "con đường tơ lụa" kết nối 2 thành phố Đà Nẵng và Hội An, tạo cơ hội thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch. Hiện tỉnh Quảng Nam đã xây 3 cây cầu và xây thêm cầu Mỹ Tự dài 188m, cầu Ông Điền dài 242m trong năm nay.
Riêng dự án nạo vét, khởi thông dòng chảy sông Cổ Cò sẽ triển khai theo các giai đoạn nhằm tạo thuận lợi về giao thông đường thủy. Mục tiêu của địa phương là thông luồng toàn tuyến sông trước tháng 9/2020, xây dựng thêm những cây cầu kết nối các khu đô thị vệ tinh ven sông với tuyến đường ven biển.
Chính quyền và người dân kỳ vọng thay đổi tạo ra không chỉ có ý nghĩa liên kết vùng phát triển kinh tế của hai địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển thị trường bất động sản quanh khu vực này.
Hình ảnh sông Cổ Cò trong quy hoạch chung đô thị Điện Bàn tầm nhìn 2030. Nguồn: TC Kiến Trúc. |
Khu vực ven sông Cổ Cò – điểm hút du lịch và bất động sản
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam, doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 27,66% so với cùng kỳ 2018. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 14.000 tỷ đồng. Địa phương xác định đây là mũi nhọn kinh tế cần tập trung nhiều giải pháp để thu hút du khách. Du lịch tăng trưởng kéo theo nhu cầu cung cấp nơi lưu trú và nâng cấp các cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh mẽ.
Ở phía còn lại, Đà Nẵng cũng có kế hoạch tập trung đẩy mạnh du lịch từ phía Đông Nam đến Hội An, nhằm tái hiện lại con đường di sản của khu vực, trong đó sông Cổ Cò là trục cảnh quan được ưu tiên bảo vệ. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái tự nhiên còn nguyên vẹn, đặc biệt là quỹ đất sạch còn nhiều. Bên cạnh đó Đà nẵng dự kiến sẽ chuyển dịch các dự án về khu vực này trong bối cảnh giá bất động sản khu vực trung tâm ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Đáp ứng đủ các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của du lịch và bất động sản, hiện hai bên bờ dòng sông Cổ Cò đã hình thành nhiều khu đô thị và biệt thự nghỉ dưỡng ở địa phận cả Đà Nẵng và Quảng Nam. Đặc biệt giới đầu tư sắp tới sẽ đón nhận rất nhiều các dự án đất nền được cho là loại hình bất động sản “át chủ bài” của khu vực ven sông.
Theo các chuyên gia, chiếm số lượng lớn trong bất động khu vực Quảng Nam là phân khúc nghỉ dưỡng, các khu đô thị xanh với cảnh quan môi trường tự nhiên, hài hòa. Trong vài năm gần đây, giá các sản phẩm tại đây có xu hướng tăng nhanh, do nhu cầu khách hàng và xu hướng dịch chuyển đầu tư vào các dự án ven sông, ven biển.
Với một địa phương lấy du lịch làm trọng điểm như Quảng Nam, việc đẩy mạnh bất động sản tạo điều kiện thu hút du khách càng có vai trò quan trọng. Mức giá sản phẩm các nhà đầu tư quan tâm như đất nền đô thị nay cũng được định vị lại đúng với chất lượng vị trí và chiều lòng nhiều khách hàng.
Với riêng Quảng Nam, việc phát triển các dự án hai bờ dòng Cổ Cò còn được ví như “thành bố bên sông”, giúp giải tỏa áp lực cho Hội An. Một loạt các dự án được đầu tư bài bản, đồng bộ đi kèm với công nghệ xanh có thể là tương lai của Quảng Nam hướng tới, đồng thời vẫn giữ nguyên bản sắc của đô thị truyền thống tại đây.
Các chuyên gia nhận định, sự sôi động của nhịp sống đô thị khu vực này trong vài năm tới sẽ mở ra cơ hội kinh doanh, giao thương cho các nhà đầu tư có tầm nhìn xa. Do vậy, không chỉ người dân với nhu cầu thực để ở mà giới đầu tư Hà Nội, TP.HCM cũng đang quan tâm tìm cơ hội sở hữu các sản phẩm giàu tiềm năng tại đây.