Nhận xét về tiềm năng hợp tác kinh tế của 2 nước, ông Abhay Thakur, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM nêu so sánh: Nếu như tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2009 chỉ là 2 tỷ USD thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt khoảng 3 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt ngưỡng 5 tỷ USD trong năm 2013.
|
Theo ông Abhay Thakur, thị trường Việt Nam có tiềm năng để đầu tư các lĩnh vực, như: Nguyên liệu ngành dệt may, cơ khí, y tế, thức ăn gia súc…
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn khi đầu tư vào thị trường chế biến thực phẩm ở Ấn Độ.
Phân tích các lý do nhà đầu tư nên chọn ngành chế biến thực phẩm, ông J.P. Meena (Vụ trưởng – Bộ công nghiệp chế biến thực phẩm Ấn Độ) cho biết, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.
Ấn Độ cũng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm, như: có hơn 200 triệu ha đất canh tác, các hình thái khí hậu phong phú, dân số đông thứ 2 thế giới và là quốc gia có thế mạnh về chế biến rau quả, các sản phẩm từ thịt gia súc…
Hiện nay, ngoài những lợi thế là giá thuê đất và chi phí nhân công rẻ…Ấn Độ đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư, như: Với chính sách sản xuất toàn quốc, Chính phủ hỗ trợ tăng mức đầu tư về cơ sở hạ tầng tại các khu vực quy hoạch thu hút các dự án FDI, cải cách thủ tục hành chính, có chính sách bảo vệ quyền thương hiệu, sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư v.v…
“Riêng với ngành chế biến thực phẩm, Chính phủ đã có sáng kiến thành lập các Siêu công viên thực phẩm (Mega Food Parks) với nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư”, ông Meena cho hay.
Ông Rajnish Kumar nói rõ hơn các lợi thế và ưu đãi khi đầu tư vào Siêu công viên thực phẩm do Công ty Pristine Mega Food Parks làm chủ đầu tư. Đó là, thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư rất nhanh; vùng nguyên liệu về rau quả, thịt rất dồi dào, sẵn có (lớn thứ 2 của Ấn Độ), gần 100 doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất tại đây có thị trường xuất khẩu khá ổn định sang Trung Quốc, Trung Đông, Đông Nam Á…
Ở một khía cạnh khác, ông Sreedhar Pothukuchi, Phó chủ tịch Tập đoàn GMR lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam nếu quyết định đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm thì nên tìm các đối tác lớn ở địa phương, bởi họ am hiểu các chính sách đầu tư của nước sở tại, có vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng...
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của thế giới khi đến Ấn Độ đã hợp tác với GMR bởi tập đoàn này hiện đang sở hữu 2 khu kinh tế tự do (tương đương với 2 khu công nghiệp ở Việt Nam - PV). Ngoài những ưu đãi theo quy định của Chính phủ thì 2 khu kinh tế tự do của GMR có hạ tầng tốt, còn nhiều diện tích cho các nhà đầu tư, nằm gần khu trung tâm của 2 bang đông dân nhất Ấn Độ… Các khu này cũng nằm gần các cảng biển lớn rất thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Meena, hiện nay ở Ấn Độ có 30 Siêu công viên thực phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu đầu tư sẽ có 2 lĩnh vực tiềm năng dự báo có tính khả thi cao.
Thứ nhất, đó là chuỗi đông lạnh với mảng đầu tư xe chuyên dụng và đầu tư kho, nhà xưởng. Hiện các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này mới đáp ứng chưa được 50% nhu cầu thị trường.
Tiếp theo là đầu tư lò giết mổ gia súc theo hướng hiện đại hóa. Đây là lĩnh vực được Chính phủ Ấn Độ quan tâm và chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa.
“Doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần mang công nghệ, máy móc, thiết bị… còn chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vùng nguyên liệu…Với những lĩnh vực đầu tư còn nhiều tiềm năng như ngành chế biến thực phẩm thì sự thành công sẽ là rất cao”, ông Meena nhấn mạnh.
Trong chiều ngược lại, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen khẳng định, công nghệ, thiết bị của Ấn Độ trong lĩnh vực cơ khí là rất tốt và có khả năng cạnh tranh khá sòng phẳng với nhiều tên tuổi lớn của thế giới.
Bằng chứng là, sau 5 dây chuyền cán thép nhập về từ Ấn Độ, trong mấy năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đã sản xuất rất hiệu quả với doanh thu của năm 2012 là 600 triệu USD. Thời gian tới, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến sẽ nhập 4 dây chuyền cán thép của Ấn Độ, với tổng trị giá hơn 40 triệu USD.
Về lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, với vai trò là Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Ấn, ông Vũ nêu 2 “nút thắt” khiến kết quả chưa xứng với tiềm năng, đó là doanh nghiệp 2 nước chưa đạt tiếng nói chung về văn hóa kinh doanh nên lòng tin chưa cao, dẫn đến các quyết định hợp tác, đầu tư đưa ra chưa nhiều; đến nay giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa có đường bay thẳng nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tìm hiểu, xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước.
Ông Vũ cũng thông tin thêm, trong khuôn khổ Hội nghị bàn tròn về đầu tư Việt Nam - Ấn Độ đã có một hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp 2 nước có giá trị lên tới 30 triệu USD.
* Một số doanh nghiệp Ấn Độ sang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam: Công ty Patanjali Food & Herbal Park (kinh doanh hạ tầng chế biến thực phẩm); PT Prcol Surya (sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô); Futurelinks International Pvt. Ltd (tư vấn, thực hiện dự án cơ sở hạ tầng, truyền tải điện…); R.R. Minerals Exports Pvt. Ltd (sản xuất, xuất khẩu khoáng sản, hóa chất…) * 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ấn Độ: điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; cao su thiên nhiên và cà phê. * 5 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ Ấn Độ: thức ăn gia súc và nguyên liệu; ngô; bông các loại; sắt thép các loại và dược phẩm. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Hồng Sơn