Môi trường mỏ Núi Pháo rất xanh, sạch ,đẹp, là hình mẫu để các đơn vị khác nghiên cứu, học hỏi. |
Vì sao lại chọn Núi Pháo?
Đoàn đặc trách về khai khoáng của APEC (MTF- Mining Task Force) lên thăm Núi Pháo sau khi kết thúc phiên đối thoại công - tư về Chính sách khai khoáng APEC vào ngày 12/5/2017.
6-7 năm trước, Núi Pháo chỉ là những ngọn đồi, khu ruộng đầy cỏ hoang. Nhưng giờ đây, trên vùng đất hoang vu năm xưa, đã mọc lên tầng tầng, lớp lớp, sừng sững các khu nhà máy hiện đại, hệ thống dây chuyền uốn mình nối nhau như những con rồng thép khắp khu chế biến, từng đoàn xe tải cần mẫn chở trên lưng khối quặng khổng lồ… tạo nên một quang cảnh sôi động, hối hả.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong chương trình nghị sự giữa các Bộ trưởng phụ trách ngành khai khoáng của các nước APEC, trong khuôn khổ của Hội nghị APEC diễn ra vào tháng 5/2017 tại Việt Nam, đặc biệt quan tâm tới 3 vấn đề: công nghệ khai thác trong mối liên quan trực tiếp đến sức khỏe, môi trường và hiệu quả năng lượng; gắn kết cộng động và phát triển bền vững trên cơ sở chia sẻ lợi ích với nhiều cấp độ: địa phương, quốc gia và khu vực. Cuối cùng, Hội nghị muốn tiếp cận những mô hình tiêu biểu về khai thác khoáng sản bền vững để chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực.
Với nội dung nghị sự trên, mỏ Núi Pháo do Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources- MSR) làm chủ đầu tư, được đề xuất là điểm đến của các thành viên của Hội nghị như một minh chứng về thực hành khai thác mỏ bền vững tại Việt Nam.
Lý do Núi Pháo được coi là một “hình mẫu” để các đối tác quốc tế nghiên cứu và học hỏi là vì MSR sở hữu nguồn nhân lực, tài chính và công nghệ để vận hành thành công một chu trình công nghệ khai thác, chế biến Vonfram dòng sơ, trung và cao cấp, giá trị gia tăng hiếm có tại Việt Nam. Ngoài ra, với quy mô và nguồn lực của một mỏ Vonfram lớn nhất thế giới, Núi Pháo đã cam kết và thực thi những đóng góp cụ thể vào tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó cộng đồng địa phương là những đối tượng hưởng lợi trực tiếp và tiếp đó là cộng đồng cấp khu vực và quốc gia.
Đoàn công tác đã đi thực tế tới các khu vực chính của Dự án là: moong khai thác lộ thiên; khu bãi đập hàm (stock pile); nhà máy chế biến, khu chứa quặng đuôi và thăm vùng đệm, các khu tái định cư, các dự án hỗ trợ cộng đồng và phục hồi kinh tế…
Phục hồi môi trường tại Núi Pháo
Điểm ấn tượng đầu tiên với Đoàn công tác của APEC là việc phục hồi môi trường trong quá trình khai thác mỏ. Ở Núi Pháo, bất kỳ chỗ nào cũng trồng cây xanh: trên hồ nước thải để cải thiện chất lượng nước thải, ở các sườn đồi, ven đường, khu vực bãi thải… nhằm mục đích chắn bụi, ngăn xói mòn, giảm thiểu tiếng ồn, phát sinh từ hoạt động khai thác, tạo hành lang xanh.
Năm 2016, Núi Pháo đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua trồng cây năng lượng của Đức (CPEP) trong thời gian 3 năm (2016 - 2018), với mục đích thử nghiệm và đánh giá việc trồng cây năng lượng tại khu mỏ. Các loại cây trồng được lựa chọn cho mục đích này gồm có keo lai Úc, cao lương ngọt và cỏ VA06. Cao lương ngọt và cỏ VA06 đã được cung cấp miễn phí cho cộng đồng địa phương làm thức ăn chăn nuôi và nhân giống. Cũng trong năm 2016, Núi Pháo đã phục hồi được khoảng 16,7 ha đất.
“Tôi đã làm việc nghiên cứu ngành khai thác mỏ rất nhiều năm, được đi tham quan nhiều mỏ ở Indonesia, Nam Phi, Malaysia, Thái Lan... và tôi rất ngạc nhiên, thích thú với mỏ Núi Pháo, một dự án mỏ có công nghệ rất hiện đại, khoa học, quản lý chuyên nghiệp, quy củ và sạch sẽ. Tôi đánh giá rất cao việc xây dựng môi trường xanh tại Dự án, chưa có nơi nào tôi từng tham quan mà mảng xanh được chú trọng như tại Núi Pháo”, một đại diện của Philippines làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu về mỏ đánh giá ngay trên bờ moong chính khai thác Vonfram dài 1,6 km, quanh bờ phủ đầy cây xanh.
Không chỉ thế, sau khi chứng kiến các quy trình khai thác, các đại biểu trong đoàn cũng tỏ ra ngạc nhiên với nỗ lực trong việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên nước và năng lượng trong quá trình sản xuất.
Đại diện Núi Pháo cho biết, từ năm 2014 - 2016, lượng nước mặt sử dụng đã được giảm từ 12.528 triệu lít xuống còn 10.798 triệu lít, trong khi lượng tiếp liệu cho sản xuất tăng 17,4% trong quá trình này. Đây chính là kết quả của công nghệ tái sử dụng nước tuần hoàn tại khu vực đập chứa đuôi quặng lên đến 85% trong năm 2016 và dự kiến đạt 90% trong năm 2017. Ngoài ra, mức sử dụng nước sạch cho mỗi tấn quặng cũng đã giảm 35% từ năm 2014.
Tương tự, cải tiến công nghệ do MSR đầu tư cũng góp phần giảm 52% điện năng sử dụng đối với quy trình tuyển nổi, tiết kiệm 270 kW điện năng tiêu thụ mỗi giờ, cùng với đó là các nỗ lực giảm thiểu sử dụng hóa chất, trong khi vẫn tăng tỷ lệ thu hồi từ 45% lên 65%.
Chi hàng ngàn tỷ đồng cho bảo vệ môi trường
“MSR cam kết các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản sẽ “không ảnh hưởng đến thế hệ mai sau” bằng những đầu tư rất lớn về các công trình bảo vệ môi trường, cũng như sự tuân thủ tuyệt đối các chuẩn mực của Việt Nam và quốc tế đối với các công trình hạ tầng của Dự án”, ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc mỏ Núi Pháo chia sẻ với Đoàn đặc trách về khai khoáng của APEC ngay bên bờ đập chứa đuôi quặng (OTC) của mỏ Núi Pháo.
Đập OTC là minh chứng cho đầu tư bền vững. Từ năm 2104 - 2016, Núi Pháo đã chi hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng, vận hành, xử lý đuôi quặng tại đập thải OTC. Ngoài ra, chi hàng trăm tỷ đồng cho bảo vệ môi trường (quan trắc, phí nước thải, phí xử lý chất thải, phục hồi môi trường, phí bảo vệ môi trường, trạm xử lý nước thải, đập thải…). Công trình này đã được đầu tư thiết kế và xây dựng để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, như các tiêu chuẩn của Hiệp hội Đập Canada (CDA), Ủy ban quốc tế về Đập lớn (ICOLD), Ủy ban quốc gia Úc về Đập lớn (ANCOLD), Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Mỹ (ASTM), Ngân hàng Thế giới.
Công trình đập có thể chịu được mức động đất thiết kế cực đại 7,2 độ Mw (cường độ). Dung tích hồ cho phép có khả năng đối phó với tình trạng lũ lụt với lượng mưa liên tục 24 giờ mà không cần xả nước.
Các chuyên gia kỹ thuật của Núi Pháo cho hay, nước sau khi xử lý qua đập OTC dùng để tưới tiêu cho hoa màu và bùn thải trong đập đang được triển khai hợp tác tái chế quặng đuôi thải thành nguyên liệu sản xuất clinker (dùng trong công nghiệp xi măng) và gạch xi măng cốt liệu.
“Nước đã qua xử lý ở hồ này sạch đến nỗi ông Đôm (Dominic John Heaton, Tổng giám đốc Masan Resources) còn uống nước trực tiếp sau khi xử lý”, một chuyên gia tiết lộ.
Một điểm sáng khác của Núi Pháo trong bảo vệ môi trường là công tác quan trắc. Từ năm 2013, MSR đã ký kết các hợp đồng quan trắc với các đối tác uy tín của Việt Nam và quốc tế như SGS (Úc), Goshu Kohsan (Nhật Bản) và Viện Khoa học môi trường và Sức khỏe cộng đồng để lấy mẫu nước phục vụ cho đánh giá nội bộ cũng như đánh giá độc lập.
Bình quân mỗi ngày, các đối tác lấy hàng chục mẫu nước để phân tích và đánh giá. Từ năm 2013 - 2016, Dự án đã được thực hiện tổng số 18.233 mẫu nước.
“Các báo cáo về thực hiện quản lý môi trường đều được công ty chúng tôi lập và gửi theo đúng quy định, trong đó có cả báo cáo tóm tắt các kết quả phân tích mẫu đến cộng đồng dân cư vùng dự án. Tính đến nay, Công ty đã lấy tổng cộng 22.255 mẫu về chất thải rắn, mẫu nước và mẫu không khí. Tới đây, Công ty sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và dẫn truyền kết quả quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên”, ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Núi Pháo cho biết.
Một ngày thăm mỏ Núi Pháo, chúng tôi và Đoàn công tác APEC đã cảm nhận được những nỗ lực và đam mê kiến tạo của MSR để góp phần thay đổi tư duy tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt là lấy khoa học kỹ thuật làm động lực phát triển và dám cạnh tranh ra thị trường quốc tế. Ghi nhận nỗ lực vượt qua những giới hạn trong công nghệ khai thác và chế biến hiện hành để tiếp tục nghiên cứu các phương thức mới. Tận mắt chứng kiến sự tích cực tìm tòi các phương thức sinh hóa để giảm thiểu hơn nữa tác động môi trường, đảm bảo môi sinh bền vững. Chứng kiến sự nỗ lực hết mình của mỗi cán bộ, nhân viên của MSR để tạo giá trị gia tăng từ chuỗi cung ứng địa phương và phương thức sinh kế bền vững cho người dân bản địa…
Những cái bắt tay, ôm choàng thật chặt, những nụ cười tươi và sự vui mừng, vồn vã của người dân khu vực tái định cư dành cho Đoàn, cho các nhân viên của MSR đã cho thấy MSR đã làm thật, làm được nhiều điều cho người dân vùng dự án.
Bà Đào Thị Vũ, Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố Sơn Hà (Khu tái định cư Nam Sông Công) nói: “Tổ dân phố Sơn Hà là khu dân cư đầu tiên của thị trấn Hùng Sơn, có 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Cuộc sống của người dân sau khi tái định cư đã tốt hơn so với trước đây”.
“Tôi đã từng đến thăm nhiều mỏ trên thế giới và rất ấn tượng với mỏ Núi Pháo. An ninh nghiêm ngặt, công tác bảo vệ môi trường rất được chú trọng và con người ở đây nồng hậu”, vị chuyên gia phụ trách về dầu khí và khai khoáng mỏ của Ngân hàng Thế giới nhận xét.
Từ xưa đến nay, trong mắt cộng đồng quốc tế, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam bị đánh giá là dùng công nghệ lạc hậu, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường và sinh kế của người dân… Nhưng với những gì tận mắt chứng kiến, tin rằng, bạn bè quốc tế sẽ thay đổi cái nhìn với ngành khai khoáng Việt Nam, tạo động lực để MSR “khai mở” kho báu quốc gia của Việt Nam - mỏ Núi Pháo.