Tài chính - Chứng khoán
Có nên bỏ quy định bảo hiểm bắt buộc với xe máy?
Mạnh Bôn thực hiện - 08/12/2022 10:10
Trước nhiều kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) đối với xe máy vì hiệu quả quá thấp, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là vấn đề cần cân nhắc.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức lên tiếng đề nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc TNDS vì hiệu quả rất thấp. Người dân và nhiều đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến tương tự. Quan điểm của cơ quan quản lý về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Căn cứ để đưa ra kiến nghị loại bỏ xe máy ra khỏi đối tượng phải tham gia bảo hiểm TNDS bắt buộc là mức phí bồi thường quá thấp so với doanh thu. Năm 2019, tổng phí thu từ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là 765 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp chỉ bồi thường tai nạn xe máy 45 tỷ đồng, tương đương 6% doanh thu, thấp hơn rất nhiều so với các loại bảo hiểm bắt buộc khác, như ô tô (khoảng 33%), cháy nổ (hơn 31%).

Năm 2020 và 2021, do Covid-19, hoạt động giao thông đường bộ giảm mạnh, nên tai nạn giao thông giảm, vì vậy tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm cũng rất thấp.

Những con số nêu trên là số liệu của năm 2019, trách nhiệm đền bù thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo Nghị định số 214/2013/NĐ-CP, còn kể từ ngày 1/3/2021 trở đi, việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP (Nghị định số 03), thì số liệu đã khác. Tuy nhiên, trước các ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu để trình Chính phủ đưa ra giải pháp hợp lý.

Nghị định số 03 đã nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra lên 150 triệu đồng/người. Đối với thiệt hại về tài sản, mức đền bù bảo hiểm là 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy (mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe có kết cấu tương tự) gây ra. Tăng mức đền bù thiệt hại, nhưng Nghị định số 03 vẫn giữ nguyên mức phí bảo hiểm, nên tổng số tiền đền bù không còn ở mức 6% tổng doanh thu như trước đây.

Qua nghiên cứu thực tế và phản ánh của người dân, thì mức bảo hiểm trên vẫn chưa tương xứng, nên chúng tôi đang tiếp thu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 03 theo hướng vẫn giữ nguyên mức phí, nhưng nâng mức bồi thường tối đa lên 50% so với hiện nay.

Ngoài mức phí bảo hiểm thấp, nguyên nhân khiến tỷ lệ đền bù thiệt hại đối với tai nạn xe máy thấp là do thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để nhận đền bù quá phức tạp. Điều này sẽ được khắc phục thế nào, thưa ông?

Nghị định số 03 đã đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường như cắt giảm chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại.

Để tạo điều kiện cho người không may bị tai nạn sớm tiếp cận nguồn tài chính từ bảo hiểm, theo quy định hiện hành, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường bằng 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định đối với trường hợp phải điều trị cấp cứu trong trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, thì doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường tương ứng là 30% và 10%.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành đã mở rộng thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 12 tháng và tối đa là 3 năm đối với xe máy.

Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Tôi cho rằng, với những chính sách mới, số tiền bồi thường bảo hiểm tăng, bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe máy sẽ trở thành “lưới an toàn” cho người dân tham gia giao thông bằng phương tiện phổ biến nhất hiện nay là xe máy.

Mặc dù vậy, đa phần ý kiến người dân cho rằng, đối với xe máy, không nên yêu cầu bắt buộc phải tham gia bảo hiểm, thưa ông?

Trên thế giới, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe máy, kể cả các nước/khu vực có số lượng xe máy tham gia giao thông thấp như Mỹ, EU, hay các nước đang phát triển có số xe máy lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu xe máy, trong tương lai xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ đạo của người dân, nên phải cân nhắc nên hay không nên áp dụng bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, bởi 63% số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy.

Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều có quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe cơ giới đó là ô tô, xe máy, xe đạp điện... Muốn bỏ quy định yêu cầu bắt buộc tham gia bảo hiểm TNDS đối với mô tô, xe máy, xe đạp điện, thì phải sửa luật. Trong thời gian chưa bỏ quy định này, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 03 cho phù hợp với thực tế.

Tin liên quan
Tin khác