Doanh nghiệp
Có nên thử nghiệm cổ phần hóa công ty công trình thủy lợi?
Thanh Thủy - 22/11/2019 17:37
Nhiều năm nay, người nông dân không phải đóng thủy lợi phí. Nguồn tiền ngân sách sẽ đứng ra trả thay và trả trực tiếp cho các doanh nghiệp công trình thủy lợi với số tiền ước tính 7.000 tỷ đồng mỗi năm.

44% là tỷ lệ hộ gia đình đánh giá chất lượng công trình thủy lợi khâu tưới nước chỉ ở mức độ “Kém”, tức chỉ ở thang 4 trên tổng thang đánh giá 5 bậc. Không hộ gia đình nào đánh giá chất lượng công trình thủy lợi ở mức “Rất tốt”.  

Kết quả trên nằm trong cuộc khảo sát khi thực hiện báo cáo nghiên cứu Điều chỉnh chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và miễn thủy lợi phí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong phạm vi 4 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Hai khoản thuế và phí trên đã được miễn ở phạm vi toàn quốc từ hơn 10 năm trước. Cụ thể, thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ các hộ được quy định từ năm 2011 đến 31/12/2020. Đối với khoản thủy lợi phí, người nông dân cũng đã được miễn từ năm 2008.

Tại Hội thảo công bố báo cáo sáng 22/11, nhiều nhà khoa học và đại diện một số cơ quan liên quan đã có phản hồi, góp ý về dự án này.

Các nhà khoa học và đại diện một số cơ quan liên quan đã có phản hồi, góp ý về dự án này

Hiện nay, hình thức miễn thủy lợi phí được thực hiện theo hình thức Nhà nước đứng trả thay người nông dân, tiền ngân sách theo đó sẽ trực tiếp đổ về doanh nghiệp công trình thủy lợi.

Có khoảng 100 doanh nghiệp thủy lợi trên gần 300.000 km kênh mương. Doanh nghiệp dịch vụ khi cấp nước được nhận tiền từ ngân sách, theo một tính toán ước khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Hình thức chi tiền ngân sách về thẳng doanh nghiệp công trình thủy điện có nhiều điểm lợi bởi không cần có thêm nhân sự đi thu phí từng hộ dân và giúp đảm bảo tiền hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích.  

Liên quan đến mức đánh giá chất lượng khá thấp dành cho công trình thủy lợi, ông Đức Việt từ Cục quản lý công trình thủy lợi, trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, cho rằng cần nhìn sâu hơn vào nguyên nhân. “Trong khi mức trượt giá các năm 2012 – 2019 cao (giá điện hay chi phí lương đều phải tăng), khoản tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp lại đóng khung trong trung hạn”. Đáng lẽ trích ra được 60% tiền để duy tu bảo dưỡng, lạm phát lại ăn mòn số tiền được cấp khiến công trình kém, hoạt động dẫn nước bị ảnh hưởng.

Đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp công trình thủy lợi,  ông Trần Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho rằng bộ máy một số công ty vẫn còn cồng kềnh, có thể tiết kiệm đáng kể chi phí điện chỉ cần thay đổi giờ bơm nước. Do đó, thử nghiệm cổ phần hóa một số công ty khai thác công trình thủy lợi là một phương án được ông nhắc đến khi các đơn vị này đang được Nhà nước “ôm” quá nhiều.

Đối với người trực tiếp sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi để tưới tiêu, ngoài câu chuyện thủy lợi phí đã được miễn và còn được miễn tiếp hay không, điều quan trọng hơn còn là chất lượng của nguồn nước. Một đại diện từ hợp tác xã Mộc Nam, tỉnh Hà Nam cho biết có những lần nước về nông dân phải tẩy độc. Nông dân sẵn sàng mua nước tưới tiêu nhưng chất lượng nước có đảm bảo cho lúa phát triển.

Hơn 10 năm qua, việc miễn thủy lợi phí và cả thuế sử dụng đất nông nghiệp đã khuyến khích các hộ dân có thêm vốn đầu tư vào nông nghiệp. Cũng theo tính toán của các nhà khoa học trong báo cáo này, xét riêng việc trồng lúa, hiệu quả kinh tế theo khảo sát chỉ mang về hơn 600.000 đồng/sào/năm. Định suất thuế với đất tương đương khoảng 100.000 đồng/sào/năm. Tuy nhiên, đi đến tận gốc của vấn đề, theo ông Nguyễn Mậu Dũng, giảng viên trường Học viện Nông nghiệp, điều quan trọng hơn cả là nâng cao hiệu quả sử dụng đất còn sử dụng đất phải trả thuế, sử dụng nước phải trả tiền. Thực tế, quy định khi gia nhập WTO cũng có những điều khoản hạn chế đối với các hình thức hỗ trợ. Theo lộ trình, việc thu thuế sử dụng đất và thủy lợi phí trở lại như thế nào cần được tính dần.

Tin liên quan
Tin khác