Các biện pháp hạn chế của Washington đã làm giảm doanh số bán hàng của các nhà sản xuất chip Mỹ sang Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Cổ phiếu chip bán dẫn toàn cầu lao dốc sau khi thông tin Mỹ đang cân nhắc các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.
Các nhà đầu tư chất bán dẫn bày tỏ lo ngại khi cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, trả lời phỏng vấn Bloomberg Businessweek rằng Đài Loan cần phải trả tiền cho sự bảo vệ của Mỹ.
Đài Loan lâu nay đóng một vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, do đó các nhà phân tích cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào trên hòn đảo này đều có thể phá hủy nền kinh tế toàn cầu.
Những năm gần đây, Mỹ giữ lập trường bảo vệ hơn đối với ngành sản xuất chất bán dẫn của mình, ngành mà họ coi là có tầm quan trọng chiến lược để cạnh tranh với Trung Quốc.
Mỹ đã thông báo với các đồng minh rằng họ đang xem xét sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại nghiêm khắc nhất hiện có nếu các công ty tiếp tục cho phép Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến, Bloomberg News đưa tin.
Sau thông tin trên, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ASML đã "bốc hơi" 13%, mặc dù lợi nhuận quý II của hãng này đã vượt dự báo.
Cổ phiếu của hãng chip Mỹ Nvidia giảm gần 7%, mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường. Trong khi đó, hai đối thủ nhỏ hơn là AMD và Arm cùng ghi nhận cổ phiếu giảm khoảng 10%. Cổ phiếu Micron và Broadcom lần lượt giảm 6% và 8%.
Trái lại, cổ phiếu của GlobalFoundries tăng gần 7% còn cổ phiếu Intel nhích hơn 0,35%. Một số nhà phân tích cho rằng Intel có thể hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị trong bối cảnh hãng này đang xây dựng một số nhà máy ở Mỹ.
Intel đã đầu tư mạnh tay để khôi phục lợi thế sản xuất đã mất vào tay TSMC. Đây cũng là một trong những hãng chip được hưởng lợi lớn nhất từ Đạo luật Chips mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào tháng 8/2022, với khoản trợ cấp lên tới 52,7 tỷ USD.
Washington đã có nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc và hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip trong nước như Intel. Một số chuyên gia chính sách cho rằng, chính quyền Washington sẽ vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất bán dẫn, ngay cả khi ông Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng.
Tuy nhiên, họ cảnh báo về sự không chắc chắn về khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh sản xuất của Intel, khi mảng sản xuất chip của tập đoàn này báo lỗ hoạt động 2,47 tỷ USD trong quý I/2024.
"Phản ứng của thị trường có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì các yếu tố cơ bản thúc đẩy các thị trường này không thay đổi. Đúng vậy, các hạn chế của Mỹ đối với các hoạt động xuất khẩu đến Trung Quốc có thể sẽ tăng lên đôi chút - bất kể kết quả bầu cử Mỹ như thế nào - bởi chúng đã được áp dụng trong một thời gian dài", ông Bob O'Donnell, nhà phân tích trưởng tại công ty phân tích kỹ thuật TECHnalysis Research (Mỹ) cho biết.
Chính quyền Tổng thống Biden đã có những động thái nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ chip tiên tiến, bao gồm cả các hạn chế sâu rộng được ban hành vào tháng 10 năm ngoái nhằm hạn chế xuất khẩu bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) do các hãng công nghệ thiết kế, trong đó có Nvidia.
Các biện pháp hạn chế của Washington đã làm giảm doanh số bán hàng của các nhà sản xuất chip Mỹ sang Trung Quốc. Doanh thu từ Trung Quốc của Nvidia chiếm khoảng 18% tổng doanh thu trong quý kết thúc vào ngày 28/4, thấp hơn nhiều so với mức 66% trong cùng kỳ năm trước.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia Semiconductor đã lao dốc 6,8%, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.
Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Philadelphia Semiconductor đã tăng 30%, vượt trội so với chỉ số S&P 500 với mức tăng 17% nhờ sự bùng nổ của AI.
Ông Michael Sobolik, thành viên cấp cao tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho rằng: "Có thể ông Trump (khi trở lại nắm quyền - BTV) sẽ không chỉ tiếp tục các hạn chế xuất khẩu mà còn tăng cường chúng". "Ông ấy đã khởi xướng nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bao gồm cả 'quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài' nhằm hạn chế các bên nước ngoài giúp Huawei tiếp cận chất bán dẫn".