Cổ phiếu ngân hàng bắt đầu dậy sóng từ giữa tháng 5/2015. Theo đó, cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong vòng 1 tháng rưỡi qua tăng tốc từ mốc hơn 17.000 đồng/cổ phiếu lên 23.000 - 24.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Các đại diện khác ngành ngân hàng cũng có tốc độ bứt phá không kém. CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng từ hơn 16.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 20.600 đồng/cổ phiếu vào phiên 23/6. Mặc dù sau đó, CTG có một số phiên điều chỉnh, nhưng có dấu hiệu bước vào nhịp sóng tiếp theo và hiện giữ ở mốc trên 20.000 đồng/cổ phiếu - mặt bằng giá khá cao so với thời điểm giữa tháng 5.
Cũng như những người anh em khác, MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội và ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín cũng là những cái tên được chú ý. Trong đó, mặt bằng giá của MBB được cải thiện từ mốc 13.000 đồng/cổ phiếu lên trên 15.000 đồng/cổ phiếu, ACB tăng từ khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu lên trên 23.000 đồng/cổ phiếu, còn STB đi lên từ mốc trên 16.000 đồng/cổ phiếu lên sát 19.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thậm chí còn xuất phát sớm hơn trong cuộc chinh phục đỉnh cao lần này, khi có tín hiệu đi lên ngay từ cuối tháng 4. Từ đó đến nay, VCB đã tăng một mạch từ mốc 35.000 đồng/cổ phiếu lên trên 54.000 đồng/cổ phiếu.
Tốc độ tăng khiêm tốn nhất trong nhóm ngân hàng thuộc về cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam. Từ giữa tháng 5 đến nay, EIB đã tăng từ khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.000 đồng/cổ phiếu.
Xét chung cả giai đoạn dài nửa đầu năm 2015, cổ phiếu ngân hàng cũng là nhân tố chi phối mức tăng chung của thị trường trong 6 tháng đầu năm. Trong top 10 mã tăng mạnh nhất sàn TP.HCM trong nửa đầu năm, có tới 3 đại diện của nhóm ngân hàng, đó là BID, VCB và CTG.
Theo đánh giá của một số nhà quan sát, những yếu tố tạo nên sóng cổ phiếu ngân hàng thời gian qua là sự lớn mạnh của các ngân hàng đầu tàu sau khi các ngân hàng này đã ký kết biên bản thỏa thuận nhận sáp nhập các ngân hàng thương mại khác. Động thái này đã tạo nên ra một cú nhảy đột biến về quy mô và sức ảnh hưởng các ngân hàng vốn đã thuộc hàng “khủng” trên sàn chứng khoán.
Theo đó, cùng trong thời điểm tháng 5/2015, VietinBank ký kết Bộ hồ sơ sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), BIDV công bố sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Các giao dịch sáp nhập này có thể được xem như một trong những giao dịch điển hình của quá trình triển khai Đề án 254 về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, Đề án 254 đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ phải hình thành được 1 - 2 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, việc nhận sáp nhập PG Bank không những giúp VietinBank mở rộng quy mô, mà còn tạo cơ hội để Ngân hàng tiếp cận và chiếm thị phần cao tại các dự án lớn của Petrolimex, tiếp cận cơ sở khách hàng của một số công ty thành viên của Petrolimex, cung cấp dịch vụ ngân hàng qua mạng lưới Petrolimex…
Giới đầu tư kỳ vọng, sóng cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ chưa dừng lại và các nhịp sóng sẽ bám theo các cột mốc trong lộ trình tiến đến hoàn thiện toàn bộ quá trình sáp nhập của các ngân hàng. Mới đây, BIDV chính thức công bố tăng vốn điều lệ sau sáp nhập theo giấy phép hoạt động mới vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp ngày 29/6/2015. Sau khi thông tin này được công bố, không chỉ cổ phiếu BID, mà cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác lại tiếp tục manh nha dậy sóng.
Trong khi các ngân hàng đã chính thức tuyên bố nhận sáp nhập đang được giới đầu tư dõi theo từng bước, thì các ngân hàng niêm yết khác cũng được giới đầu tư quan tâm không kém. Lý do là, nhiều ngân hàng lớn rất có thể vẫn đang âm thầm tiến hành kế hoạch riêng, trước khi công bố chính thức những thương vụ mua bán - sáp nhập khủng trong thời gian tới.