Du lịch
Côn Đảo chuyển mình theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Nhất Chi Mai - 11/11/2024 09:07
Với những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa tâm linh, Côn Đảo đang hướng tới phát triển bền vững thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn.
Côn Đảo đang hướng tới phát triển bền vững thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn

Mở rộng tiềm năng phát triển bền vững

Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án xác định đến năm 2030, 100% rác thải hữu cơ và 50% lượng rác thải rắn sinh hoạt tại Côn Đảo sẽ được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn. Diện tích trồng và phục hồi rặng san hô tại đảo dự kiến tăng lên 6-7 ha. Huyện phấn đấu đạt 100% xe vận tải hành khách thay thế và đầu tư mới sử dụng điện và năng lượng xanh, với mục tiêu đạt 30% phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Xây dựng Côn Đảo phát triển bền vững

Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo nằm trên Biển Đông, cách Vũng Tàu và TP.HCM khoảng 200 km, có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi cho kết nối với các trung tâm kinh tế. Biển Côn Đảo giàu tài nguyên, là nơi đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh miền Trung trở vào. Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và văn hóa như Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, thu hút đông đảo du khách.

Với đa dạng sinh thái và hệ thống di tích đặc sắc, Côn Đảo được công nhận là khu du lịch quốc gia có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây cũng là hòn đảo duy nhất tại Việt Nam được bảo tồn nghiêm ngặt, là vườn di sản ASEAN và “vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế” theo Công ước Ramsar.
Côn Đảo đã nhiều lần được bầu chọn là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, gần đây nhất được xếp vào Danh sách 24 điểm đến hoang sơ của Tạp chí Time Out. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Côn Đảo đón hơn 550.000 lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra 6 nhóm giải pháp, được thực hiện theo 2 giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030, bao gồm giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải, phát triển giao thông xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững.

“Việc triển khai Đề án hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn du khách, qua đó tăng doanh thu ngành du lịch cho Côn Đảo, kéo theo sự phát triển bền vững các cụm ngành kinh tế phụ trợ. Đồng thời, hướng tới tái tạo nguồn vốn tự nhiên, con người và xã hội dựa trên cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hoạt động thực tế tại địa phương”, ông Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

Du lịch được chọn là mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của Côn Đảo, đóng góp vào tầm nhìn xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045 được phê duyệt vào tháng 7/2024, Côn Đảo sẽ được xây dựng, phát triển với tính chất là khu du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế, khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử, khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển, đất ngập nước của quốc gia và quốc tế, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên luôn được du khách ưa thích

Sẵn sàng đón cơ hội đầu tư

Để thực hiện các mục tiêu trong mô hình kinh tế tuần hoàn, Côn Đảo đang triển khai nhiều sáng kiến hướng tới phát triển xanh, bền vững, đồng thời tìm kiếm nguồn lực phát triển các lĩnh vực năng lượng, nước và bảo tồn thiên nhiên.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo sẽ tận dụng nguồn lực, kết hợp với các chương trình quốc gia và địa phương, tìm kiếm nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế, đồng thời thu hút nguồn kinh phí, hỗ trợ tư nhân và doanh nghiệp thông qua các dự án thử nghiệm sản xuất, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, nước, vật liệu và bảo tồn thiên nhiên...

Côn Đảo cũng chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bao gồm bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển với nhiều biện pháp như xây dựng hệ thống xử lý nước thải và rác thải, xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong du lịch, bảo vệ môi trường thiên nhiên, cảnh quan.

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra vào tháng 9/2024, các đại biểu đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý rác Côn Đảo, đề xuất đặt tại Bến Đầm, thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo. Huyện cũng triển khai nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như xử lý rác thải tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát, mở rộng cảng Bến Đầm, nâng cấp sân bay Côn Đảo.

Bên cạnh đó, với hướng phát triển tập trung vào du lịch xanh và du lịch sinh thái, các mô hình khuyến khích khách du lịch hạn chế sử dụng đồ nhựa cũng đang được triển khai tại những địa điểm hút khách du lịch.

“Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Côn Đảo kêu gọi thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính và chuyên nghiệp vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ chất lượng cao tương xứng với tiềm năng hiện có”, ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho hay.

Côn Đảo đã sẵn sàng các quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng để đón nhà đầu tư. Cùng với sự phát triển của các loại hình giao thông, việc di chuyển từ đất liền ra Côn Đảo, hay di chuyển giữa các địa điểm du lịch ở hòn đảo này đã thuận lợi hơn trước, phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau. Trong tương lai, huyện chú trọng hình thành các tuyến đường liên vùng (đường không và đường biển) kết nối Côn Đảo với Vũng Tàu, TP.HCM, Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Phú Quốc... để tăng cường thu hút khách.

Côn Đảo thu hút nhiều khách du lịch sinh thái

Chung tay hành động

Vào tháng 8/2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty bay Dịch vụ hàng không VASCO (thành viên của Vietnam Airlines) và UBND huyện Côn Đảo đã thực hiện Chương trình “Bay nhẹ tới Côn Đảo”, với mục tiêu chung tay giảm phát thải carbon, hạn chế rác thải nhựa, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và du khách về hành động bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, VASCO đã lựa chọn đường bay tới Côn Đảo làm “đường bay bền vững”.

Loại hình du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, với các hoạt động trải dài từ các hoạt động tham quan di tích lịch sử, lặn ngắm san hô, đến tour du lịch bảo tồn rùa biển cũng thể hiện tiềm năng phát triển bền vững.

Từ tháng 6/2024, tại các điểm đến du lịch tâm linh trọng điểm của Côn Đảo như Nghĩa trang Hàng Dương, Đền thờ và các điểm di tích trong Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo, Chương trình Giỏ lễ xanh, khuyến khích sử dụng các sản phẩm cúng lễ thân thiện với môi trường, không dùng hàng mã, nhựa dùng một lần được triển khai đồng bộ.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, sau 3 tháng thực hiện Chương trình Giỏ lễ xanh, số lượng rác thải nhựa, hàng mã đã giảm rõ rệt, chỉ số ô nhiễm không khí tại các điểm di tích trên toàn huyện chuyển mức rất tốt. Từ ngày 1/1/2025, huyện Côn Đảo sẽ thực hiện chương trình này vào tất cả các ngày trong năm tại Di tích nghĩa trang Hàng Dương, Đền thờ Côn Đảo và các điểm di tích trên địa bàn.

Trong khi đó, Vườn quốc gia Côn Đảo, dựa vào lợi thế đặc biệt từ thiên nhiên, đã thiết kế các tour du lịch vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa thúc đẩy hoạt động bảo tồn. Du khách có cơ hội xem rùa làm tổ, đẻ trứng, đồng thời khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn bao quanh đảo, lặn ngắm san hô, tìm hiểu kiến thức sinh học về vòng đời rùa biển và giải pháp bảo vệ các sinh vật quý của đại dương.

Bà Lục Thị Mai Quỳnh, Giám đốc Greenland Travel Côn Đảo cho hay, Khu du lịch Hòn Cau (Côn Đảo) đang triển khai các hoạt động du lịch đa dạng, từ sinh thái như lặn biển ngắm san hô, tham quan khu bảo tồn rùa biển, đến tìm hiểu lịch sử qua Khu di tích nhà tù Hòn Cau.

Đặc biệt, đại diện Greenland Travel Côn Đảo chia sẻ, Khu du lịch Hòn Cau đẩy mạnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích du khách tham gia bảo vệ cảnh quan tự nhiên. Du khách rất ủng hộ các hoạt động này, nhất là những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, tạo sức hút lớn đối với những ai yêu thích du lịch xanh và bền vững.

“Trong tương lai, Khu du lịch Hòn Cau có thể phát triển mạnh mẽ nhờ xu hướng du lịch sinh thái và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao, phát triển hạ tầng du lịch với các khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường. Chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động du lịch bền vững, góp phần thu hút du khách yêu thích thiên nhiên”, bà Quỳnh chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác