Thời sự
Côn Đảo - Đất thép nở hoa
Huy Hào - 01/05/2013 12:18
Trong không khí của cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước những ngày cuối Tháng 4/1975 lịch sử, ngày 1/5/1975, quần chúng nhân dân và các tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo đứng lên giải phóng đảo, chấm dứt 113 năm lao tù.
TIN LIÊN QUAN

Trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)

“Máu và hoa”

Dọc đường từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện lỵ Côn Đảo, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những khóm hoa giấy đỏ rực và hàng cây hoa anh đào khoe sắc bên đường. Dường như, đất càng cằn, nắng càng gắt, gió càng mạnh, thì những cánh hoa giấy Côn Đảo càng đỏ thắm. Ngay sát những khóm hoa giấy, sau bờ kè của con đường chạy ven bờ biển, từng đợt sóng đánh vào bờ đá tung bọt trắng xóa. Xa xa, biển Côn Đảo xanh ngăn ngắt.

Hàng ngày, Sân bay Cỏ Ống đón đông đảo du khách tới với Côn Đảo

Anh bạn đi cùng đoàn tranh thủ dặn dò lịch trình: buổi chiều, có chương trình đi viếng mộ cô Sáu (Nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu) và thắp hương ở Nghĩa trang Hàng Dương; ngày mai, nhất định phải ghé thăm Khu di tích Chuồng cọp, Chuồng bò… để thấy các thế hệ cha anh chúng ta đã sống và chiến đấu như thế nào ở Côn Đảo.

Nghe vậy, tôi bất chợt liên tưởng, phải chăng, những cụm hoa giấy đỏ thắm giữa nắng gió Côn Đảo kia đã được tô bằng máu của hàng vạn chiến sỹ cách mạng kiên cường, bất khuất đã ngã xuống nơi này?

Lật lại chiều dài lịch sử của Côn Đảo - hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ít ai ngờ rằng, mảnh đất này đã trở thành chốn lao tù suốt hơn một thế kỷ, chính xác là 113 năm.

Sau khi Pháp chiếm Côn Lôn (tên gọi trước của Côn Đảo), ngày 2/1/1862, Thống đốc Nam kỳ Louis Adolphe Bonard đã thành lập Nhà tù Côn Đảo, để giam giữ những tội nhân Nam Bộ mang án tù từ 1 đến 10 năm. Ngày 14/1/1862, thực dân Pháp đưa một số nhân viên ra đảo, dựng trạm hải đăng, nhằm khẳng định quyền thống trị của Pháp ở đây và đến ngày 5/6/1862, thực dân Pháp chính thức hợp pháp hóa việc chiếm đóng Côn Đảo.

Cho đến tận năm 1936, Côn Đảo hoàn toàn vắng bóng người dân sinh sống, chỉ có gia đình binh lính, nhân viên của chính quyền thực dân và tù nhân. Ngày 22/10/1956, theo sắc lệnh số 143-NV của Chính quyền Ngô Đình Diệm, Côn Đảo trước là một quận biệt lập, nay trở thành tỉnh, với tên gọi Côn Sơn, tỉnh lỵ đặt tại Côn Sơn, đơn vị hành chính duy nhất là cấp tỉnh, không có đơn vị cấp huyện, xã.

Trong khí thế chung của cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước những ngày tháng 4/1975 lịch sử, ngày 1/5/1975, quần chúng nhân dân và tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo đứng lên giải phóng đảo, chấm dứt 113 năm lao tù.

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Đến nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là di vật về tội ác tày trời của chế độ thực dân trong suốt 113 năm (1862 - 1975), nhưng cũng là bằng chứng cho thấy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam.

Ngay kề UBND huyện Côn Đảo, đối diện với di tích Nhà Chúa đảo là Cầu tàu 914 (nơi có ít nhất 914 người đã chết khi xây dựng cầu tàu này); Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Cầu Ma Thiên Lãnh… Đó là những địa danh tự nó đã nói lên tất cả. Nơi đó, giữa cái sống và cái chết, trong gang tấc cận kề, những người tù Côn Đảo vẫn một mực son sắt thủy chung với lý tưởng của Đảng, với nhân dân và đồng chí, đồng đội.

Từ vùng đất thép này, bao người đã nằm xuống, bao người đã vượt qua đòn roi, qua bao phương tiện và thủ đoạn tra tấn man rợ của kẻ thù, lại vượt sóng gió trở về đất liền, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cho đất nước nở hoa.

Ở Côn Đảo, ghi dấu bao cái tên đã đi vào lịch sử Việt Nam, từ các nhân sỹ, trí thức nư cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, đến anh hùng Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong, rồi Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh…

Họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc trở thành trường học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần vào trang sử thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Chính họ và những trang sử đau thương, bi tráng đó đã tạo nên một huyền thoại về Côn Đảo.

Hoa trên đất thép

Côn Đảo bây giờ thật bình yên. Cái bình yên vô giá sau bao máu xương đã đổ, của bao tấm gương bất khuất, quật cường đã nằm lại nơi này. Cái bình yên để Côn Đảo trở thành mảnh đất lành, nơi chim về làm tổ, nơi con người cảm mến, chọn làm bến mưu sinh.

Bình minh Côn Đảo

Chúng tôi gặp Nguyễn Khắc Cường, quê Hưng Yên, một quân nhân, cũng là chủ một nông trại ở Côn Đảo. Anh ra với Côn Đảo rất tình cờ. Ấy là khi còn đang làm công nhân ở TP.HCM đô hội, anh ra Côn Đảo thăm cha làm giáo viên ở đây trong dịp Tết Nguyên đán.

“Hôm ấy, đang đạp xe đi chơi thì có người bạn rủ về nhà ăn Tết, tôi để xe đạp lại vệ đường, theo chân anh bạn. Mải vui, mãi 5 ngày sau, ngày mùng 7 Tết tôi mới quay lại chỗ để xe đạp. Chiếc xe vẫn nguyên vẹn ở đó. Tôi tự hỏi, sao lại có nơi bình yên đến thế, dễ chịu đến thế? Và tôi quyết ra với Côn Đảo”, Nguyễn Khắc Cường kể lại với giọng chân thật, pha chút hứng khởi.

Vậy mà, thấm thoắt anh đã gắn bó với Côn Đảo hơn hai thập kỷ, chi li là 23 năm. Côn Đảo đã đổi thay nhiều, nhưng câu chuyện của anh Cường 23 năm trước, giờ vẫn có thể kể nguyên văn như thế, chỉ có điều, chiếc xe đạp ngày nào được thay bằng những chiếc xe ga đắt tiền.

“Đến giờ, nhiều người đang đi xe máy dọc đường, cũng sẵn sàng bỏ xe đấy, để cả chìa khóa ở đấy, lên xe ô tô đi tiễn bạn ra sân bay Cỏ Ống, hay đèo nhau đi chơi, lúc khác quay lại lấy xe vẫn vô tư”, anh Cường nói và chỉ tay cho tôi thấy một chiếc xe ga mới coong dựng hồn nhiên bên vệ đường nhựa.

Dường như, tình cảm của anh dành cho Côn Đảo cũng được mảnh đất này trọng tình ứng đáp. Đã có lúc, cuộc sống của anh tưởng như rơi vào bế tắc, khi anh bị tai nạn khá nặng, chị Lan - vợ anh thì bị căn bệnh ung thư hiểm nghèo, nhà cửa phải bán hết để lo chạy chữa…

Nhưng bây giờ, niềm vui đã trở lại với người đàn ông đôn hậu và người vợ chịu thương chịu khó. Khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức mở Chi nhánh ở Côn Đảo, vợ chồng anh vay 250 triệu đồng vốn để đầu tư làm ăn. Ngày ngày, hai vợ chồng chăm chút cho đàn heo rừng, mấy ao cá nước ngọt – thứ rất quý hiếm ở vùng biển này, thêm vào đó là đàn gà thả vườn vài trăm con… thu nhập mỗi năm ước cũng thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Cả gia đình lớn của anh Cường, gồm bố mẹ, các anh em trai và cô em út đều đang làm việc, sinh sống ở Côn Đảo. Cô em gái cũng nhanh nhạy không kém người anh, thành lập một doanh nghiệp chuyên tổ chức tour du lịch cho du khách trong và ngoài nước ra thăm Côn Đảo. Trái ngọt đang đến với những con người gắn bó với mảnh đất thép này.

Một góc Resort Côn Đảo

Ông Hoàng Đức Nha, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Côn Đảo cho hay, tại Côn Đảo, còn nhiều cá nhân và doanh nghiệp nữa cũng đang vay vốn của Ngân hàng để đầu tư làm ăn. Trong đó, Công ty TNHH Việt Nga đang vay vốn của Agribank để triển khai Dự án Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng hạng sang, gồm 125 phòng 5 sao, phục vụ du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách từ Nga và khách du lịch lịch sử, tâm linh trong nước.

“Côn Đảo sẽ phát triển du lịch cao cấp. Công ty đang xây dựng hạ tầng để đáp ứng nhu cầu này, đến nay đã hoàn thành gần 60% hạng mục. Dự kiến, năm 2014, chúng tôi có thể khai thác những hạng mục đầu tiên để hoàn vốn”, ông Ngô Văn Trung, Trưởng ban Hành chính Công ty TNHH Việt Nga tiết lộ.

Côn Đảo bây giờ có những resort sang trọng nằm cạnh bãi biển thơ mộng; có những chuyến bay ngày ngày xuất phát từ đất liền, đưa du khách trong và ngoài nước nhộn nhịp tới vãn cảnh, nghỉ ngơi.

Nhưng trong sự yên bình và ngày càng trù phú ấy, vùng đất này mãi mãi không bao giờ phai nhạt ký ức về những ngày đấu tranh gian khổ, về những thế hệ đã nằm xuống cho đất Côn Đảo thêm màu mỡ, hoa Côn Đảo thêm thắm đỏ và người Côn Đảo thêm sức sống mạnh mẽ.

Chia tay Côn Đảo, chúng tôi lại nhớ câu chuyện của anh Nguyễn Khắc Cường, khi anh kể lại quyết tâm nuôi cá nước ngọt ở Côn Đảo.

“Bà con đi biển quen với vị cá biển rồi, nên thích cảm giác ăn miếng cá trê nướng chấm mắm gừng, nhâm nhi chén rượu đế của chính “cơ sở Lan Cường” nhà tôi nấu. Được phục vụ bà con thế là sướng rồi. Chúng tôi sẽ phục vụ Côn Đảo suốt cuộc đời”, anh Cường hồ hởi nói, ánh mắt sáng tươi, hồn hậu.

* Tháng 9/1976, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giải thể cơ cấu hành chính cũ để thành lập huyện Côn Đảo, thuộc TP.HCM. Tháng 1/1977, Côn Đảo chuyển sang thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5/1979, Côn Đảo trở thành một quận trực thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Tháng 8/1991, Côn Đảo trở thành một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và giữ nguyên cho đến hôm nay.

* Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, từng là tù nhân Côn Đảo, nhận xét: “Nói ra thì có lẽ không phải, nhưng cái chết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật, giết một lần hàng vạn sinh linh, cái chết đó người chiến sĩ tù nhân Việt Nam mình có mấy ai sợ đâu? So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ ngụy, thì nhà tù Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm”.

Tin liên quan
Tin khác