Hoạt động sản xuất chip tại Công ty chất bán dẫn Jiejie ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Nga, Ukraine nắm mặt hàng chủ chốt trong chuỗi bán dẫn
"Nguồn cung chất bán dẫn sẽ không được cải thiện ngay lập tức. Quá trình sản xuất các chất bán dẫn cần có rất nhiều nguyên liệu thô và khí", ông Vinay Gupta, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) bình luận trên đài CNBC.
Đề cập đến những thách thức mà chiến sự Nga - Ukraine gây ra cho chuỗi cung ứng, ông Gupta cho biết hai quốc gia này chiếm một phần lớn thị phần bởi Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về Krypton - một loại khí được sử dụng trong sản xuất chip.
Khí hiếm Neon cũng rất quan trọng đối với quá trình sản xuất chip và được sử dụng trong khâu in thạch bản (lithography) - quá trình máy móc khắc các mảnh silicon nhỏ như Samsung, Intel và TSMC thường sản xuất.
Theo ông Peter Hanbury, nhà phân tích chất bán dẫn tại Công ty nghiên cứu Bain & Co., hơn một nửa số khí hiếm Neon trên thế giới được sản xuất bởi một số công ty ở Ukraine.
Chất bán dẫn thường thấy trong nhiều sản phẩm công nghệ hiện nay, từ điện thoại di động, máy tính đến ô tô cũng như các thiết bị gia dụng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí gia tăng cũng đồng nghĩa với "giá bán trung bình của các thiết bị điện tử và gia dụng sẽ tăng lên và các nhà cung cấp sẽ chuyển mức phí gia tăng đó sang tay khách hàng", ông Gupta lưu ý.
Chi tiêu công nghệ có chiều hướng thu hẹp
Ông Gupta cho rằng, lạm phát gia tăng và việc các nước thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, đã khiến người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng và đây cũng là nguồn cơn của suy thoái.
"Chi tiêu cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho công nghệ thông của người tiêu dùng, đang có dấu hiệu suy giảm", ông Gupta cho biết.
Trong khi đó, chi tiêu cho công nghệ thông tin của doanh nghiệp, bao gồm các dịch vụ phần mềm, lưu trữ đám mây và dịch vụ công nghệ, vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng lạm phát đã khiến các doanh nghiệp có xu hướng co cụm chi tiêu cho công nghệ thông tin.
"Nhưng, hy vọng rằng đây sẽ là sự sụt giảm chi tiêu tức thời, bởi các chính phủ và các ngân hàng trung ương đang cố gắng cân bằng giữa chống lạm phát và tăng… lãi suất", ông Gupta nhận định.
Tuần trước, hai quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiết lộ rằng, cơ quan này đang hướng đến một đợt tăng lãi suất mạnh tay nữa vào cuối tháng 7 và có lẽ cả trong tháng 9, ngay cả khi biện pháp đó kéo hãm nền kinh tế.
Trong tháng 6, Fed đã ấn định mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, tương đương 0,75 điểm phần trăm và đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Đối phó với "bão" lạm phát và đề phòng suy thoái, Apple đã lên kế hoạch trì hoãn việc tuyển dụng và chi tiêu cho tăng trưởng, Theo Bloomberg. Xu hướng này có thể xảy ra đối với toàn bộ ngành công nghệ châu Á, ông Gupta cảnh báo. "Tôi tin rằng. đó sẽ là một xu hướng sẽ bắt đầu xảy ra [vào] cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 nếu tình hình không được cải thiện", ông Gupta nói thêm.
Đại diện Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế cho rằng: "Nếu nói về các dịch vụ công nghệ thông tin ở châu Á, thì hầu hết các doanh nghiệp đang cảm thấy áp lực về tỷ suất lợi nhuận do chi phí lương ngày càng tăng và khoảng trống về kỹ năng nghề… trên thị trường lao động".
Đơn cử, tại Ấn Độ, tỷ suất lợi nhuận của các "gã khổng lồ" công nghệ đã "sụt giảm đôi chút", mặc dù họ đã tuyển dụng nhiều hơn trong quý I/2022. Nhưng điều này có thể sẽ không kéo dài, bởi theo chia sẻ của ông Gupta, thì nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang áp dụng các công nghệ số mới trong thời dịch Covid-19, cho phép nhân viên làm việc tại nhà, cho nên rất nhiều dự án chuyển đổi số mới được triển khai trong thời gian qua.
Đại diện Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế cũng lưu ý: "Sẽ xuất hiện một số áp lực về tỷ suất lợi nhuận bởi rõ ràng thu nhập của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng hiện nay vẫn tiếp diễn".