Dựa vào đâu mà ông cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP như vậy là chấp nhận được?
Nếu không bị hạn hán, thiên tai, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ cần tăng bằng cùng kỳ năm 2015 (tức là tăng 2,22%, thay vì giảm 0,18%) và nếu công nghiệp khai khoáng chỉ cần tăng bằng cùng kỳ năm 2015 (tăng 8,48%, thay vì giảm 2,2%), thì tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay tương đương cùng kỳ năm 2015, tức là tăng 6,32%.
Nhận định này dựa vào tính toán cho thấy, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng của ngành nông ngiệp, thủy sản và công nghiệp khai khoáng như 6 tháng đầu năm 2015, thì hai ngành này đóng góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,8 điểm phần trăm nữa.
Ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Năm 2015, kinh tế phục hồi sau 3 năm liên tiếp suy giảm, năm nay lại giảm tốc mà cho rằng chấp nhận được có lẽ hơi chủ quan, thưa ông?
Không phải chỉ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà ai chẳng muốn kinh tế ngày càng tăng trưởng nhanh hơn, vững chắc hơn. Nhưng kinh tế nước ta là một phần không thể tách rời kinh tế thế giới, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, các nước là thị trường đầu tư, xuất nhập khẩu của nước ta cũng giảm tốc độ tăng trưởng, thì mình muốn cũng không thể tăng trưởng nhanh được.
Cụ thể, theo dự báo mới đây của nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng có uy tín trên thế giới, năm 2016, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chỉ tăng trưởng 3,5%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng mới dự báo, tốc độ tăng trưởng của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… giảm khá sâu so với dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Với tình hình như vậy, tăng trưởng GDP năm nay rất khó đạt mục tiêu 6,7%. Vậy vì sao không điều chỉnh mục tiêu?
Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ phải điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, vì vậy, bất đắc dĩ mới phải thay đổi.
Năm nay, Chính phủ không đề nghị thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn có lý do rất khách quan là muốn điều chỉnh thì các cơ quan của Chính phủ phải có thời gian nghiên cứu và tính toán lại, sau đó trình các ủy ban của Quốc hội thẩm tra và gửi các đại biểu nghiên cứu xem có nên điều chỉnh hay không, điều chỉnh ở mức nào là hợp lý. Trong khi đó, Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ XIV vừa mới được thành lập, 68% số đại biểu Quốc hội mới lần đầu tiên tham gia, nên chưa có thời gian nghiên cứu kỹ tình hình kinh tế - xã hội để thảo luận xem có nên điều chỉnh hay không, điều chỉnh ở mức nào là hợp lý.
Tôi nghĩ, không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng có cái hay, vì đây là “thuốc thử” đối với Chính phủ nhiệm kỳ XIV.
Xem ra “liều thuốc thử” này khá nặng. Ông có nhìn thấy dư địa tăng trưởng nào khả quan không?
Tôi cho rằng, dư địa tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều.
Thứ nhất, huy động vốn đầu tư phát triển tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 32% và giải ngân vốn trái phiếu chính phủ mới đạt 23% kế hoạch. Do vậy, nếu trong 6 tháng cuối năm hoàn thành kế hoạch giải ngân 2 nguồn vốn này thì sẽ góp phần tăng trưởng cao hơn.
Thứ ba, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì được như cùng kỳ năm 2015, lãi suất diễn biến phù hợp với mục tiêu, định hướng và chỉ đạo điều hành. Thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, nên khả năng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Thứ tư, trên thực tế, Chính phủ cơ bản đã được kiện toàn từ tháng 4/2016.
Ngay sau khi thành lập, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt động thái tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó phải kể đến Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, có hơn 54.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 427.762 tỷ đồng, tăng hơn 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về vốn so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, hơn 14.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nay đã trở lại hoạt động, tăng trên 75%. Đó chính là động lực để tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm có thể bứt phá.
Nếu quá thiên về tăng trưởng kinh tế, liệu có dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các dự án kém hiệu quả và thu hút đầu tư bằng mọi giá không, thưa ông?
Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Chính phủ rất muốn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để tạo đà cho các năm sau, nhưng chắc chắn không tăng trưởng bằng mọi giá. Cụ thể, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành loại bỏ, tháo gỡ rào cản, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng phải nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình, dự án.
Trong khi đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường; chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp kịp thời.