Tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đã và đang là động lực chính giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế tự tin, vươn lên trong cuộc sống |
Chỉ sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được trên 442 tỷ đồng cho 830 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 125.481 người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, duy trì sản xuất, tạo đà phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Đây là kết quả của quan điểm xuyên suốt mà Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng chỉ đạo toàn hệ thống “Thực hiện Nghị quyết số Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Chính phủ”.
Chính sách càng thêm thẩm thấu nhanh vào cuộc sống khi trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm điều kiện, đơn giản hóa tối đa thủ tục, mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.
“Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là chính sách rất cần thiết trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp. Việc đẩy mạnh, đưa chính sách đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định.
Một trong những bước chuyển lớn là việc nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương từ năm 2014. Theo đó, tính đến đầu tháng 10/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt trên 255.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt gần 25.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng trưởng ổn định là nền tảng để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 242.000 tỷ đồng, với 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
Không chỉ nhiệt huyết trong công việc, “những trái tim hồng” đã tăng thêm sức mạnh cho cả nước chống dịch và phát triển kinh tế qua công tác an sinh xã hội. Từ năm 2020 đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 47 tỷ đồng. Riêng năm 2021 hỗ trợ trên 40,7 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để mua dụng cụ, thiết bị y tế, mua vắc-xin, mua nhu yếu phẩm.
Tiếp bước trên chặng đường mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc sớm, Ngân hàng Chính sách xã hội định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài. Đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.
Các mục tiêu, định hướng, giải pháp sẽ được thiết kế và xây dựng phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm vừa qua, góp phần thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.