VN-Index ngược dòng giảm sâu bất chấp đa số thị trường hồi phục. |
Nhiều thị trường hồi phục, VN-Index ngược chiều giảm sâu
Trong khi phần lớn các sàn chứng khoán châu Á tiếp đà hồi phục, thậm chí bật lên khá mạnh như sàn chứng khoán Hồng Kông (+2,69%), Đài Loan (+1,51%), Nikkei 225 (+1,21)…, chứng khoán Việt Nam ngược chiều giảm sâu và là sàn chứng khoán giảm mạnh nhất châu Á. Cả ba chỉ số đều giảm trên 2%
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 21,96 (-2,2%). HNX-Index giảm 2,93%. Chỉ số sàn UPCoM đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên giao dịch (72,25 điểm), giảm 2,71% so với cuối tuần trước.
Đây đã là phiên giảm thứ tư liên tiếp của VN-Index đưa chỉ số sàn HoSE về vùng đáy cũ. Áp lực bán ra tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tại thời điểm nửa cuối phiên chiều. VN30-Index giảm 2,51% với 8/30 cổ phiếu đóng cửa giảm sàn. Trong khi đó chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ còn rơi sâu hơn, lần lượt giảm 4,01% (VNMid-Index) và 4,16% (VNSML-Index).
VN-Index trở lại vùng đáy cũ. |
Dù vậy, các đầu tàu kéo chỉ số chung đi lùi hầu hết đến từ nhóm VN30. Top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index lần lượt là NVL, TCB, CTG, HPG và MWG. NVL, TCB và MWG đều giảm kịch biên độ ở thời điểm kết phiên. Riêng cổ phiếu Novaland chỉ giao dịch trong phiên ở mức giá sàn. Chỉ hơn 390.000 cổ phiếu NVL “sang tay” trong phiên, nhưng lượng dư bán sàn vẫn còn tới 9,56 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM và GAS là hai trụ cột nâng đỡ chỉ số, đóng góp lần lượt 1,2 và 0,94 điểm tăng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các điểm sáng hiếm hoi trên thị trường.
Số lượng mã giảm sàn áp đảo trong phiên. Toàn thị trường có 224 cổ phiếu giảm kịch biên độ, 454 mã giảm. Số mã chứng khoán tăng và tăng trần chỉ lần lượt là 140 mã và 14 mã. Riêng trên sàn HoSE, vỏn vẹn 40 mã chứng khoán tăng giá so với cuối tuần trước. Số lượng mã giảm sàn lên tới 136 mã, tương ứng cứ 3 mã chứng khoán giao dịch lại có 1 mã kết phiên ở giá sàn.
Khối ngoại tiếp tục giải ngân mạnh vào cổ phiếu Vinamilk
Giao dịch trên thị trường khá ảm đạm trong phiên rơi sâu đầu tuần. Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt hơn 11.900 tỷ đồng, trong đó thanh khoản sàn HoSE khoảng 10.555 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cuối tuần trước.
Khối ngoại giao dịch cũng khá e dè. Trên sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân thêm 636 tỷ đồng, trong khi bán cổ phiếu thu về 528 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng 108 tỷ đồng. Lực mua chủ yếu tập trung ở cổ phiếu Vinamilk (96 tỷ đồng) và DGC (80 tỷ đồng).
Khối ngoại cũng đã trở lại mua ròng cổ phiếu của Hòa Phát sau chuỗi bán ròng kéo dài tới 14 phiên. Dù vậy, lực mua vẫn khá khiêm tốn (gần 30 tỷ đồng). Ngoài ra, khối ngoại cũng đầu tư thêm vào hai cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là VND (47 tỷ đồng) và SSI (46 tỷ đồng).
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cơ sở diễn ra vẫn khá ảm đạm thì giao dịch tại thị trường chứng khoán phái sinh lại diễn ra sôi động với khối lượng khớp lệnh hợp đồng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 11 (VN30F2211) là 429.279 hợp đồng. VN30F2211 có thời điểm tăng ở đầu phiên chiều nhưng kết phiên đã giảm tới 30 điểm về mức 950 điểm. VN30F2211 hiện đang chênh tới gần 23 điểm so với VN30-Index (972,85 điểm).