Tài chính - Chứng khoán
Cú bẻ lái phiên chiều kéo chứng khoán tiếp đà tụt dốc; Khối ngoại quay lại mua ròng
Thanh Thủy - 19/04/2022 16:35
VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên - 1.406 điểm. Áp lực giải chấp margin ngày càng đè nặng và đang lan tỏa rộng hơn. Tuy vậy, khối ngoại lại quay lại mua ròng phiên hôm nay.
VN-Index rời khỏi ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.420 điểm, rơi về mức thấp nhất hơn 4 tháng

Tụt dốc, ngưỡng tâm lý hỗ trợ 1.420 - 1.430 bị phá vỡ

Nhịp hồi phục phiên sáng diễn ra chóng vánh, ba chỉ số chứng khoán đồng loạt lao dốc từ phiên chiều.

VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên - 1.406 điểm, giảm 26,15 điểm (-1,83%) so với phiên hôm qua. Quan trọng hơn, ngưỡng tâm lý hỗ trợ 1.420 - 1.430 đã không còn được giữ vững. Đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số sàn HoSE trong hơn 4 tháng qua.

HNX-Index tiếp tục giảm sâu phiên thứ hai liên tiếp khi bốc hơi 2,59%. Lần đầu tiên, chỉ số này đóng cửa dưới mức 410 điểm kể từ 25/10/2021. UPCoM-Index giảm 1,72% xuống 108,32 điểm.



Diễn biến chỉ số VN-Index trong 6 tháng gần đây - Nguồn: VNTradingView

Cổ phiếu nào đã khiến VN-Index tụt dốc chóng vánh như vậy? VN30-Index giảm 1,88%, sâu hơn mức giảm chỉ số chung. Tuy vậy, hai chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là VNMid-Index và VNSML-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn, lần lượt 2,64% và 3,12%.

Có gần 73% cổ phiếu trên sàn HOSE giảm giá, bao gồm 207 mã giảm và 98 giảm kịch biên độ. Ở chiều ngược lại, sắc xanh hiếm hoi với 77 mã tăng và vỏn vẹn 5 mã tăng trần. 

Nhiều cổ phiếu bất động sản từng qua giai đoạn tăng nóng hay gặp biến cố chưa có dấu hiệu lộ đáy. Như "họ cổ phiếu FLC" đã giảm hơn 30% từ cuối tháng 3/2022, sau lệnh khởi tố Chủ tịch HĐQT FLC về tội thao túng thị trường chứng khoán. Ba cổ phiếu FLC, ROS và HAI cũng đã bị HOSE đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán. Áp lực bán giải chấp đã rất lớn ở nhóm các cổ phiếu này.

Ngoài ra, còn các trường hợp có thể bị "vạ lây" trong trường hợp các cổ phiếu thuộc nhóm bị bán giải chấp không bán được hoặc đã bán, nhưng chưa thể thu hồi đủ lượng tiền cần thiết. Áp lực bán giải chấp càng gia tăng mạnh hơn khi thanh khoản co hẹp do sự dè dặt của dòng tiền. Điều này càng khiến hiệu ứng domino lan tỏa rộng hơn, tác động tiêu cực đến thị trường chung. 

Tội đồ cổ phiếu ông lớn ngân hàng, bất động sản

Xét trên từng cổ phiếu, các "ông lớn" vốn hóa vẫn là các “tội đồ” đưa VN-Index “về nơi xa”.

Dẫn đầu lại là hai cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất. Cổ phiếu GVR và MSN giảm 4,89% và 2,82%, đều góp tới trên 1,7 điểm giảm vào cú rơi của chỉ số chung.

Tương tự phiên điều chỉnh mạnh hôm qua, loạt cổ phiếu lớn ngành ngân hàng và bất động sản đều là các tội đồ kéo VN-Index giảm sâu như TCB, VHM, VPB, MBB, SHB.

Trừ VCB và BID đứng giá tham chiếu, các cổ phiếu ngân hàng đều giảm mạnh, đứng đầu là LPB giảm sàn, SHB giảm 6,68%...

Nhóm cổ phiếu rơi sâu nhất trong cả hai phiên gần đây là dòng chứng khoán. Quá nửa cổ phiếu các doanh nghiệp chứng khoán niêm yết không thể giảm thêm do tới hạn biên độ. Đà lao dốc kéo dài trên diện rộng của thị trường có thể tác động trực tiếp đến nguồn thu từ hoạt động tự doanh. Trong khi, đây cũng là nguồn thu lớn của nhiều công ty chứng khoán.

Toàn thị trường chỉ có vài điểm xanh hiếm hoi. HPG tăng 1,5%, là cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, bên cạnh VJC, DGC, DPM, FRT… Đây cũng là cổ phiếu duy nhất ngành thép đóng cửa tăng giá, khi NKG giảm sâu 7%, SMC giảm 6,3%, HSG giảm 2,6%...

Trên sàn HNX, các cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường là VCS (+3,6%), SCG (+2,17%) hay cổ phiếu ngành phân bón LAS tăng 6,35%. Tuy vậy, mức tăng trên không bù lại được sự lao dốc của loạt cổ phiếu vốn hóa lớn sàn này như THD, IPA, BAB, HUT, PVI…

Khối ngoại ngược dòng giải ngân

Giá trị giao dịch thu hẹp trong phiên hôm nay khi chỉ có 855,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị gần 26.470 tỷ đồng. Thanh khoản trên ba sàn giảm 12% so với phiên hôm qua.

Trong khi nhà đầu tư nội thận trọng, khối ngoại lại đẩy mạnh giao dịch ở cả hai chiều. Trên sàn HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân thêm tới 2.256 tỷ đồng, trong khi bán ra 1.978 tỷ đồng. Giá trị mua ròng riêng sàn HOSE đạt gần 278 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, khối ngoại mua ròng tổng cộng 276 tỷ đồng.

Cổ phiếu được giải ngân ròng nhiều nhất là DPM với giá trị mua ròng 93,6 tỷ đồng. Cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ là một trong các hiện tượng đi ngược dòng bất chấp những bất ổn của thị trường thời gian qua. Dù giá cổ phiếu có nhiều nhịp lên xuống, DPM kết phiên 19/4 ở mức 75.100 đồng - giá đóng cửa cao nhất trong lịch sử giao dịch cổ phiếu này.

Một cổ phiếu ngành phân bón khác là DCM cũng được mua ròng 51,4 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng cổ phiếu DGC thu về 135,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư ngoại đã giải ngân nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu này, trong đó phần nhiều từ Dragon Capital.

Tin liên quan
Tin khác