Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. |
Từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng nội dung, kiến nghị không rõ nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 914 kiến nghị, trong đó có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của Quốc hội, 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao và 5 kiến nghịthuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội.
Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề chính là: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; Kế hoạch, đầu tư, tài chính và ngân sách; Sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; Giao thông vận tải, quản lý xây dựng; Tài nguyên và môi trường; Xây dựng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp…
Cử tri quan tâm đến công tác lập pháp, giám sát!
Có 14/49 kiến nghị (chiếm 28,6%), nội dung của các kiến nghị tập trung góp ý cho 07 dự án luật và nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, một số nội dung cụ thể như quy định về độ tuổi trẻ em, về quyền trẻ em, về quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối thuốc, tư vấn sử dụng thuốc,…, đều đã được nghiên cứu tiếp thu vào các dự thảo luật.
Việc xem xét, thông qua các dự án luật tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã góp phần cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng luôn chủ động đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong công tác xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành các luật thuộc lĩnh vực phụ trách...
Theo Ủy ban Dân nguyện, trong một số trường hợp, các cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm, tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật; chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở, làm căn cứ thực tiễn để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong một số trường hợp, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vẫn còn châm chước đối với một số dự án luật mà Chính phủ trình chậm, chất lượng còn hạn chế, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị Quốc hội đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Có 32/49 kiến nghị (chiếm 65,3%), nội dung của các kiến nghị tập trung đề nghị Quốc hội cần quan tâm hơn nữa tới việc việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động giám sát, cần tổ chức giám sát các chuyên đề có nội dung liên quan tới những vấn đề quan trọng, bức xúc đang diễn ra và được cử tri cũng như toàn xã hội quan tâm.
Tiếp thu kiến nghị cử tri, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV, đã quyết định các chuyên đề giám sát trong năm 2017 về các nội dung: an toàn thực phẩm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực mà mình phụ trách; đồng thời, để thực hiện kiến nghị của cử tri về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đã tăng cường tổ chức các hoạt động giải trình của các bộ, ngành về nhiều vấn đề bức xúc trong một số lĩnh vực như giao thông vận tải, ngân hàng, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp,…
Theo nhận xét của Ủy ban Dân nguyện, một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát như: giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên.
Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả giám sát còn chưa cao.
Ủy ban Dân nguyện kiến nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; Tích cực đổi mới các hình thức giám sát, tăng cường hiệu quả và chất lượng của các hoạt động giám sát, sau giám sát; trong đó, đặc biệt quan tâm giám sát các nội dung có liên quan đến 2 lĩnh vực mà đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị qua nhiều kỳ họp, đó là giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và Giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Xử lý nghiêm các vấn đề nóng, nhức nhối của xã hội
Đối với Chính phủ và các Bộ ngành, đã có 176 kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã được các Bộ, ngành giải quyết hoặc phối hợp giải quyết xong.
Cụ thể, về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, Chính phủ đã ban hành 109 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 47 nghị định của Chính phủ, 19 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 43 văn bản của các bộ, ngành (danh mục tại phụ lục số 2) để tiếp thu, giải quyết những kiến nghị mà cử tri quan tâm trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn; giáo dục và an sinh xã hội; y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm; về sản xuất kinh doanh và quản lý thị trường, quản lý tài chính, ngân sách và kế hoạch đầu tư; quản lý tài nguyên, môi trường; quản lý xây dựng đô thị, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xử lý xe quá tải, quá khổ và giảm thu phí BOT;…
Về việc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm: Tiếp thu kiến nghị của cử tri trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi trách nhiệm của mình đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực, cụ thể như: Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tổ chức 61 Đoàn thanh tra, kiểm tra; ban hành 1.195 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 23 tỷ đồng; xử phạt 3 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm, 1 công ty sản xuất thuốc thú y giả.
Bộ Công thương tiến hành kiểm tra việc bán hàng đa cấp, đã xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đối với 9 doanh nghiệp.
Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã kiểm tra tình hình quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, xử lý các trường hợp làm giả hồ sơ cấp giấy phép lao động tại Bắc Giang, Hải Dương; đề nghị trục xuất 164 trường hợp người nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động...
Bộ y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ công thương cùng chính quyền các tỉnh, thành phố, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 203 cơ sở vi phạm nội dung quảng cáo thực phẩm với tổng số tiền phạt là 3,57 tỷ đồng. Đối với thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Y tế, các đơn vị chức năng đã kiểm tra 21.633 lô hàng (156.202 tấn), trong đó có 16 lô (13,1 tấn) không đạt tiêu chuẩn và đều xử lý theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, việc dạy thêm, học thêm, 100 % các tỉnh thành phố đã ban hành các quy định về dạy thêm, học thêm, đồng thời đã đề ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh hiện tượng này đặc biệt là hiện tượng dạy thêm chương trình lớp 1 đối với trẻ mầm non.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện,...
Ở nhóm các kiến nghị đang được giải quyết (129/856 kiến nghị) , hiện nay, vẫn còn 129 kiến nghị của cử tri đang được xem xét, nghiên cứu để giải quyết có nội dung tập trung vào các vấn đề như: nông nghiệp, nông thôn; an sinh xã hội; y tế; giáo dục; văn hóa,...thuộc thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết của Chính phủ và các Bộ.
Theo đánh giá của Ủy ban Dân nguyện, một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn có hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị của cử tri (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị cử tri. Thực tế còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết hoặc để ban hành, bổ sung, sửa đổi thay thế chính sách pháp luật có liên quan, thì lại chỉ được trả lời dưới dạng thông tin, giải trình tới cử tri. Có những kiến nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận để có căn cứ trả lời cử tri, nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra đã có văn bản trả lời cử tri.
Đối với 277 kiến nghịcủa cử tri gửi tới các kỳ họp trước đến nay vẫn còn tồn đọng 142 kiến nghị chưa được giải quyết, trong đó một số bộ còn tồn đọng nhiều như: Bộ Tài nguyên và Môi trường là 29 kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 29 kiến nghị, Bộ Tài chính 24 kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo là 11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là 8.