Ngân hàng - Bảo hiểm
Cung tiền 6 tháng chỉ tăng 2,7%, chuyên gia kiến nghị giải pháp tăng tiền ra nền kinh tế
Thùy Liên - 20/07/2023 17:05
Cung tiền quá chậm, kinh tế khó khăn buộc Chính phủ chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ “thắt chặt”, “chắn chắn” sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". Tuy vậy, nới lỏng sao cho hiệu quả là vấn đề đặt ra.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, tính đến ngày 30/6, cung tiền (M2) của cả nước mới tăng 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn rất nhiều mức 7% của năm 2019. Con số này cho thấy, việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.

Chỉ số thứ hai cũng đang ở mức thấp là vòng quay tiền. Vòng quay tiền 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. “So với thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng tốt, vòng quay đồng tiền trên 1 lần thì rõ ràng vòng quay tiền đang chậm. Hiện nay, chúng ta cũng không cần lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn một chút”, TS. Lực nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, lạm phát thế giới đang giảm, nguy cơ nhập khẩu lạm phát vì vậy không đáng ngại, lạm phát cả năm của nước ta chỉ khoảng 3,5-4%, giúp nhà điều hành có thể yên tâm kích thích tăng trưởng.

Hiện tại, Chính phủ đã chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ chặt chẽ sang nới lỏng hơn (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa Phương - Nghị quyết  97/NQ-CP). Công điện 644 cũng nêu rõ, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) và 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, quyết định “chuyển trạng thái” chính sách tiền tệ của Chính phủ như trên là rất phù hợp, dựa trên 3 yếu tố: Lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá khiến áp lực lạm phát và tỷ giá trong nước cũng giảm; Kinh tế 6 tháng vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế; yêu cầu phải phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Tuy vậy, ngay cả khi tiền được bơm ra, việc doanh nghiệp có hấp thụ được vốn hay không cũng là vấn đề nan giải.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra thực tế, hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp của nhiều ngành hàng đang rất gay go. Trong bối cảnh này, rõ ràng dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Theo đó, các ngân hàng và các ngành hàng cần chủ động hợp tác với nhau để "đẩy" dòng vốn.

Để ngân hàng, doanh nghiệp gặp nhau, theo ông Tuấn, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, minh bạch sổ sách, phía ngân hàng cũng hạn chế các loại phí, các ràng buộc hợp đồng khác. 

Tin liên quan
Tin khác