Ninja Van Việt Nam đang đánh mạnh vào giao hàng cá nhân toàn quốc. |
Nhảy vào dịch vụ chuyển phát truyền thống
Nhà kho hiện đại hơn 20.000 m2 vừa được SLP - đơn vị phát triển hạ tầng công nghiệp và kho vận hiện đại bàn giao lại cho bên thuê là Giao Hàng Nhanh (GHN) - một trong những công ty chuyển phát nhanh và giao nhận chặng cuối hàng đầu tại Việt Nam. Nhà kho này nằm tại SLP Park Xuyên Á, là phân khu đầu tiên được hoàn thiện và bàn giao thuộc giai đoạn I, Dự án nhà kho hiện đại SLP Park Xuyên Á của SLP.
GHN đang là đối tác chiến lược của các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, trung bình xử lý 10 triệu đơn hàng được giao thành công mỗi tháng trên khắp cả nước. Tên tuổi này đang đầu tư và không ngừng mở rộng hạ tầng kho vận, để mang đến giải pháp toàn diện và hiệu quả phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Ông Kent Yang, Chủ tịch SLP kỳ vọng, trung tâm phân loại khu vực phía Nam này sẽ là khởi đầu cho hai bên có thể “bắt tay” mở rộng đến các khu vực khác của Việt Nam. Với đà tăng trưởng của GHN, ông Mai Hoàng, Giám đốc điều hành GHN kỳ vọng sẽ tiếp tục “bắt tay” với SLP để mở rộng hoạt động tại các khu vực khác của Việt Nam.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, lượng mua sắm trực tuyến và gửi đồ cho người thân tăng cao đã khiến dịch vụ giao hàng cá nhân toàn quốc phát triển mạnh mẽ. Hiện thị phần của giao hàng cá nhân nội thành và giao hàng thương mại toàn quốc (phục vụ các shop kinh doanh và sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME) đang chiếm phần lớn. Song nhiều chuyên gia cho rằng, giao hàng cá nhân toàn quốc sẽ là một thị trường ngách mới và có nhiều tiềm năng mở rộng cho các tay chơi trên thị trường.
Trên thực tế, mặc dù có nhu cầu cấp thiết, nhưng nguồn cung cho giao hàng cá nhân toàn quốc khá khan hiếm, chưa có nhiều đơn vị công nghệ hoặc các hãng giao vận lớn khai thác. Dường như các “ông lớn” trong lĩnh vực giao nhận đang tập trung vào thị trường béo bở hơn - giao hàng thương mại. Khách hàng cá nhân muốn chuyển hàng liên tỉnh vẫn phải phụ thuộc vào hình thức giao hàng cá nhân truyền thống. Do vậy, việc phát triển các tính năng giao hàng cá nhân công nghệ sẽ rất có ý nghĩa, mang đến nhiều lựa chọn an toàn và tiện lợi cho khách hàng.
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, đã có thêm 60 triệu khách hàng mới sử dụng Internet để thực hiện giao dịch online tại Đông Nam Á. Có nghĩa là cứ 10 người ở Đông Nam Á sử dụng Internet thì có đến 8 người từng mua hàng online. Riêng tại Việt Nam, thương mại điện tử đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, với quy mô dự kiến tăng gấp 3 vào năm 2025 - gần 40 tỷ USD. Nhìn chung, quy mô ngành e-logistic (giao nhận thương mại điện tử) sẽ đạt 15,9 tỷ đơn hàng vào năm 2030.
Những con số ước tính trên thực sự rất hấp dẫn, vì thế, mức độ cạnh tranh của ngành này chưa từng giảm nhiệt cả trước hay sau đại dịch. Chỉ cần một chút chủ quan, thiếu tập trung, một ít chậm nhịp, doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau. Điển hình, GHN trước đây chỉ tập trung vào các sàn thương mại điện tử lớn và khoảng 2-3 năm gần đây mới bước chân vào thị trường SME (thị trường kinh doanh online trên các nền tảng khác).
Không tiết lộ cụ thể, nhưng đại diện GHN khẳng định, trong những quý đầu của năm nay, bên cạnh việc vẫn giữ vững vị thế tại các sàn thương mại điện tử lớn, thị phần GHN tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với các khách hàng SME.
Thị trường e-logistic vẫn đang tăng trưởng chóng mặt. Tháng 11/2022, GHN cho ra mắt dịch vụ chuyển phát truyền thống. Động thái của GHN như một lời khẳng định chắc nịch rằng, đây sẽ là “cánh tay phải” đắc lực giúp sức cho hầu hết các khách hàng tăng tốc, chạm đỉnh trên đường đua doanh số dịp cuối năm.
Trên cương vị là công ty công nghệ giao nhận đầu tiên tại Việt Nam, GHN kỳ vọng, ngành chuyển phát truyền thống sẽ phát triển ở một tầm cao mới. Song song với kỳ vọng đó là hành động không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc đầu tư áp dụng công nghệ cho từng đơn hàng.
Tương tự, Ninja Van Việt Nam cũng đang đánh mạnh vào giao hàng cá nhân toàn quốc. Theo lý giải của Ninja Van, khi các vùng nông thôn, thế hệ ông bà, bố mẹ đã quen thuộc với giao hàng cá nhân truyền thống, thì giới trẻ lại rất ưa chuộng các dịch vụ giao hàng công nghệ. Với việc sử dụng dịch vụ giao hàng cá nhân công nghệ, khách hàng sẽ tiết kiệm được thời gian, chủ động hẹn giờ lấy hàng, hàng hóa cũng được lấy tận nơi và giao tận cửa.
Đối với giao hàng cá nhân công nghệ, khách có thể chuyển hàng đến mọi tỉnh, thành phố nhờ mạng lưới toàn quốc, dễ dàng xem thông tin, tra cứu đơn qua ứng dụng. Giao hàng công nghệ thường có mức giá phải chăng cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Cùng với Grab trên Grab Express, thì Ninja Van trở thành một trong những tên tuổi nhanh tay chớp cơ hội giao hàng cá nhân toàn quốc.
GHN đang là đối tác chiến lược của các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. |
Tuyên chiến với VNPost, Viettel Post
Theo báo cáo của Allied Market Research, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển phát nhanh của Việt Nam có thể kể đến Nin Sing Logistics Company Limited (Ninja Van), GHN (Fast Delivery), Viettel Post, BEST Express Vietnam (BEST Inc.), Swift247, GHTK, J&T Express (Vietnam), Nhat Tin Logistics, Kerry Express (Vietnam), Nasco Logistics JSC và VNPost.
Các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh đang ngày càng tập trung vào việc cung cấp các loại hình dịch vụ riêng biệt như phân loại sản phẩm, đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến, ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS.
Theo giới đầu tư trong ngành, thị trường giao hàng thương mại điện tử đang khó khăn do kinh tế đi xuống và nhu cầu các sàn không còn cao nữa. Do đó, các công ty giao hàng phải tiến vào thị trường của các công ty giao hàng truyền thống như VNPost, Viettel Post… Về cơ bản, khi ra đời, GHN hay GHTK... đều hướng tới phân khúc khách hàng thuộc mảng thương mại điện tử, nên cách vận hành và hoạt động xoay theo đó (gửi hàng số lượng lớn, hàng hóa có bao bọc kỹ...)
Thực tế, khoảng 2 - 3 năm trước, phân khúc gửi giấy tờ qua GHN cũng không thuận lợi, mất thời gian cho khách hàng, bởi được chuyển cùng gói hàng, buộc các doanh nghiệp, khách hàng phải bọc rất kỹ. Vì vậy, trong dịch vụ gửi giấy tờ, hợp đồng, đa phần các công ty chuyển phát nhanh truyền thống ăn điểm, với ưu điểm là gửi giấy tờ đảm bảo không hỏng hóc, ướt át, giao tận tầng, giao cho văn thư, đi máy bay, nên nhanh hơn.
Vậy nên, động thái của các tên tuổi trên thị trường giao nhận không chỉ gây xao dư luận, mà còn cho thấy, các công ty giao hàng cho thương mại điện tử ra đời sau, sau một thời gian chiếm được phần lớn thị trường thương mại điện tử, thì đang tuyên chiến với VNPost, Viettel Post…
Theo báo cáo vừa được Allied Market Research công bố, phân khúc B2C đóng góp thị phần lớn nhất trong năm 2021, chiếm hơn 3/5 tổng thị phần trên thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam. Giai đoạn 2022 - 2030, phân khúc này được dự báo sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao nhất, gần 25,4%.
Dựa trên mục đích sử dụng cuối cùng, năm 2021, mảng khách hàng là các nền tảng thương mại điện tử chiếm 4/5 thị phần chung của dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, mảng dịch vụ tài liệu được dự đoán sẽ ghi nhận CAGR cao nhất, khoảng 25,9% từ năm 2022 đến năm 2030. Điều này cho thấy, cơ hội nhảy vào mảng chuyển phát cá nhân truyền thống là có cơ sở.
Cũng theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt giá trị 0,71 tỷ USD vào năm 2021, ước tính tăng lên 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt CAGR là 24,1% trong giai đoạn 2022 - 2030.
Ngoài ra, sự gia tăng mạnh mẽ về công nghệ, số hóa, vốn đầu tư lớn vào logistics và nâng cấp công nghệ của các phương tiện giao hàng sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới cho thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh của Việt Nam. Dù vậy, chi phí vận hành cao và thiếu hạ tầng chất lượng cao sẽ là mối đe dọa cho việc mở rộng thị trường.
Ông Lê Văn Quốc Khánh, Giám đốc Vận hành Ninja Van Việt Nam tin rằng, cốt lõi của dịch vụ giao nhận chính là giao thông suốt bất kể mùa nào.
Để đảm bảo hàng hóa mùa mua sắm cao điểm cuối năm và Tết thông suốt, các tên tuổi đang chuẩn bị kế hoạch vận hành tốt hơn. Trong đó, không thiếu những khoản đầu tư vài chục triệu USD nhằm hiện đại hóa và tự động hóa khả năng xử lý bưu kiện, nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành, hỗ trợ đơn hàng đến tay khách hàng nhanh hơn.
Đây là tín hiệu mà các tên tuổi trong thị trường chuyển phát tuyền thống phải dè chừng, nếu không muốn bị dành mất khách hàng.