Các mã QR chấp nhận thanh toán tại một cửa hàng ăn. Ảnh: Quỳnh Trang |
Nhân viên cửa hàng nói: "Từ sáng chỉ có một đơn tiền mặt, còn lại là thanh toán qua mã QR. Vì đang có khuyến mãi giảm 10%".
Người bán hàng này cũng cho biết, chỉ 20% khách thanh toán tiền mặt hoặc quẹt thẻ, phần nhiều vì họ không biết tới chương trình khuyến mãi này hoặc chưa mở ví điện tử hay ngân hàng họ mở thẻ không nằm trong diện được ưu đãi.
Đầu tháng 11/2019, nhiều người thấy dòng người xếp hàng đông đúc tại các điểm mua sắm hay cửa hàng đổ xăng dầu khi MoMo tung chương trình khuyến mãi có tên ngày hội "siêu hoàn tiền" 50%. Trước đó là "cơn bão" hoàn tiền lên tới 400.000 đồng khi thanh toán hoá đơn điện cùng các mã ưu đãi khác bằng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. Theo sau những chương trình ưu đãi này, giá trị giao dịch qua nền tảng ví này được báo cáo tăng trưởng với tốc độ hai chữ số hàng tháng.
Điều này mô tả một thực tế, tiện ích là chưa đủ để lôi kéo người dùng. Bởi vậy, thời gian qua, các nền tảng thanh toán đã không ngừng dốc tiền tung ưu đãi cho hình thức thanh toán qua mã QR.
Và năm 2019, thị trường thanh toán bằng mã QR thực sự trở nên sôi động khi VnPay "chào làng" bằng loạt mã giảm giá phủ sóng đồng loạt chuỗi cửa hàng thời trang. Các chiến dịch giảm giá tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi vẫn đang mở rộng ra các cửa hàng cà phê, ăn uống, điện máy...
2019 thực sự là một năm "bùng nổ" của phương thức thanh toán qua mã QR. Cuộc đua tại các điểm bán hàng chủ yếu thuộc về ba người chơi chính là MoMo, Moca trên ứng dụng Grab và VnPay còn VinID, AirPay và SamsungPay vẫn khá nhạt nhoà.
Không khó để bắt gặp hình ảnh ba bảng màu của MoMo, VnPay và Moca nằm cạnh nhau trên bàn thanh toán tại các cửa hàng ăn uống, thời trang, giải trí... Đâu đó, trên tấm cửa kính cũng có ghi "thanh toán qua Airpay hay Samsung pay tại đây" nhưng nhiều nhân viên nói rằng, không có mấy ai sử dụng.
Từ cách đây 3 năm, ví điện tử MoMo xuất hiện đầu tiên cùng với phương thức thanh toán offline bằng mã QR. Hiện nay, MoMo có mặt tại 100.000 điểm chấp nhận, số lượng giao dịch bằng QR tại các điểm này khoảng nghìn tỷ. Tại các cửa hàng ăn lề nhỏ lẻ, rất dễ thấy sự xuất hiện của MoMo. Là người khai phá thị trường, MoMo chọn đi theo cách "cần mẫn" lượm lặt danh sách cửa hàng không tên tuổi bên cạnh bước chân vào chuỗi bán hàng có hệ thống.
Đến đầu năm 2019, ví điện tử Moca trên Grab xuất hiện với cùng nước đi tương tự. Sau gần một năm, họ có hàng chục nghìn điểm thanh toán.
Hai "chiến binh" này vẽ ra một tương lai tương tự điều Alipay hay Wepay đã tạo nên ở thị trường Trung Quốc – quốc gia mà người bán hàng rong cũng không cần đến tiền lẻ. Ví điện tử có thể sẽ thay thế tiền mặt hay những chiếc thẻ của ngân hàng, vốn không thể chạm tới những điểm bán hàng nhỏ lẻ không đủ tiền đầu tư một chiếc máy POS đắt tiền.
Tuy nhiên, "kẻ đến sau" VnPay đã tạo nên một cục diện khác, giành lại vị thế cho giới ngân hàng trong cuộc đua thanh toán. VnPay chưa xuất hiện tại các điểm bán nhỏ lẻ như MoMo hay Moca trên Grab mà vẫn đang phát triển các điểm thanh toán một cách đồng loạt qua việc hợp tác với các chuỗi cửa hàng thời trang, ăn uống, giải trí. Chiến dịch QR Pay mới chỉ bắt đầu trong nửa cuối năm 2019, nhưng đến nay VnPay đã "bứt tốc" với hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán offline.
VnPay không phải là ví điện tử, cũng không có bất kỳ ứng dụng riêng lẻ nào dành cho khách hàng. Mã QR của VnPay "sống" trên hàng chục ứng dụng di động của các ngân hàng khác nhau, hay nói chính xác là VnPay cung cấp chung một giải pháp thanh toán bằng mã QR cho các ngân hàng. Nếu như hàng chục nhà băng phát triển từng mã QR thanh toán khác nhau, phần thắng trong việc giành miếng bánh thanh toán rất khó thuộc về họ. VnPay xuất hiện, tạo nên một mã QR chung cho các ngân hàng.
Giờ đây cạnh tranh trong mảng thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là offline trở thành bàn cân giữa một bên là ví điện tử và một bên là hàng chục ngân hàng đang dùng chung một mã QR của VnPay. Cuộc đua trong năm 2019 cũng mới chỉ là khởi đầu, chưa có cái tên nào thực sự chiếm lĩnh mảng thanh toán bằng mã QR. "Đâu có nhiều khuyến mãi nhiều, người ta chuyển qua dùng cái đó!", nhân viên cửa hàng nói vậy.
Bởi các nền tảng vẫn chưa phủ sóng hết các điểm thanh toán tiềm năng, vậy nên cuộc cạnh tranh trong năm 2020 sẽ tiếp tục là động thái bành trướng mạng lưới kèm theo quăng tiền khuyến mãi.
Tuy nhiên, nhìn dài hạn, cuộc đua giành thị phần không chỉ dừng lại là cuộc đua đốt tiền. Người chơi trụ lại được, có mạng lưới rộng, tệp khách thường xuyên sử dụng lớn và thân thiện với người dùng sẽ chiếm lĩnh được thị phần.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc mảng chuyển tiền của MoMo nhận định, trong tương lai, khuyến mãi sẽ vẫn diễn ra nhưng dựa trên việc tạo thêm giá trị và tăng tính kết nối với khách hàng. Ngoài các tiện ích từ nộp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn, mua vé xem phim..., làm sao để họ thấy các ứng dụng gần gũi và có tính kết nối với người dùng.
Trên thực tế, thanh toán bằng mã QR có nhiều ưu điểm để trở nên phổ biến tại một thị trường Việt Nam. Mã QR khắc phục được nhược điểm của thanh toán thẻ khi có lợi thế chi phí lắp đặt rẻ và đơn giản. Một người bán hàng rong lấy tiền đâu để đầu tư hệ thống POS cho khách cà thẻ? Và đó chính là cơ hội cho thanh toán QR trong năm 2020 và thời gian tới.
Việt Nam rất khác với các thị trường tài chính đã phát triển như Mỹ hay Singapore. Thanh toán bằng mã QR không có đất để phát triển ở những thị trường này bởi người dân đã quá quen với việc quẹt thẻ cho mọi giao dịch chi tiêu. Ngược lại, Việt Nam có "khoảng trống" thị trường khi thanh toán thẻ chưa phổ cập, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh đang lên ngôi khi có tới 70% dân số sử dụng smartphone, thương mại điện tử bước vào thời kỳ hưng phấn.
"Chi phí để triển khai thanh toán QR Code rất thấp và đơn giản. Tốc độ phát triển của QR Code rất đáng kinh ngạc và sẽ là phương tiện thanh toán tương lai của Việt Nam", nhà sáng lập ví điện tử MoMo Nguyễn Bá Diệp nhận định.