Gojek đã ra mắt siêu ứng dụng Gojek hoạt động tại thị trường Việt Nam. |
Nở rộ xu hướng siêu ứng dụng tại Việt Nam
GoViet sau khi đổi tên thành Gojek đã ra mắt siêu ứng dụng Gojek hoạt động tại thị trường Việt Nam. Siêu ứng dụng thực chất là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ “tất cả trong một”, như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán…
Tại “quê mẹ” của Gojek ở Indonesia, siêu ứng dụng này có tới 20 tính năng khác nhau, xoay quanh 3 mảng chính: thanh toán, giao vận, di chuyển. Còn ở Việt Nam, Gojek đang triển khai mảng di chuyển, giao vận, còn mảng tài chính đang xúc tiến triển khai.
“Với sự hỗ trợ nền tảng công nghệ đến từ Tập đoàn, Gojek Việt Nam có thể hiện thực hóa tham vọng trở thành “siêu ứng dụng”, mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng. Gojek là doanh nghiệp phát triển nhanh nhất về số lượng dịch vụ đưa ra. Số lượng sản phẩm của Gojek hiện nhiều nhất trong khu vực, vượt xa các đối thủ”, ông Phùng Tuấn Đức, CEO của Gojek Việt Nam cho biết.
Trước “tân binh” siêu ứng dụng Gojek, đã có hàng loạt ứng dụng tuyên bố phát triển thành siêu ứng dụng. Đầu tiên là Zalo công bố đổi hướng vào phát triển siêu ứng dụng Zalo. Zalo với hơn 100 triệu người dùng đã nâng cấp, tích hợp thêm dịch vụ gọi taxi (Zalo Taxi), gọi đồ ăn (Zalo Food), du lịch (Zalo Travel), tài chính (Zalo Bank) và các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử (eGovernment).
Nhưng siêu ứng dụng này sau 2 năm vẫn chưa hiện thực hóa được tham vọng to lớn của mình. Điểm khiến siêu ứng dụng này không thực sự chiếm lĩnh thị trường là chưa tích hợp được nền tảng thanh toán Zalo Pay với Zalo, chưa có nhiều sản phẩm hữu dụng tận dụng được một lượng lớn khách hàng…
Thời gian qua, siêu ứng dụng phát triển siêu tốc là Grab. Sau khi sáp nhập với Uber, mua lại trung gian thanh toán Moca, Grab từ một ứng dụng gọi xe đã phát triển, định hình thành siêu ứng dụng với hàng chục dịch vụ trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm, du lịch, giải trí…
Ông Anthony Tan, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Grab khi công bố chiến lược trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á đã chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ứng dụng Đông Nam Á, đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày ở mọi lúc, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu của bạn cả trước khi bạn cần đến chúng”.
Ai sẽ là “ông trùm” siêu ứng dụng?
Trở thành siêu ứng dụng là ước mơ của các ứng dụng đơn lẻ, bởi nếu chỉ cung cấp một dịch vụ đơn lẻ, không một ứng dụng nào có thể trụ nổi trong bối cảnh mới. Mặt khác, khi cung cấp đa dịch vụ trên cùng một nền tảng, hệ sinh thái, các siêu ứng dụng có thể khai thác tối đa trên một khách hàng, cung cấp hàng loạt nhu cầu khác nhau cho khách hàng, từ đó tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc điều hành của Loship, hiện tại, Việt Nam chưa có ứng dụng nào đủ lớn để được gọi là siêu ứng dụng, nên thị trường không quá cạnh tranh. Nhân cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc để sớm trở thành một siêu ứng dụng thật sự nhằm giành khách hàng, chiếm được thị phần trước khi thị trường bước sang giai đoạn đào thải.
Còn ông Nguyễn Xuân Trường, cựu Giám đốc điều hành của Ahamove thì cho rằng, “cuộc chiến siêu ứng dụng chỉ dành cho những “ông lớn” lắm tiền, chứ các doanh nghiệp nhỏ khó có thể theo đuổi”. Hiện nay, Việt Nam có cả chục ứng dụng đặt xe, nhưng phần lớn hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, bởi nếu bung tiền ra “đốt” khuyến mãi thì sẽ đụng ngay với Grab, Gojek…
Cuộc chiến vương quyền siêu ứng dụng tại Việt Nam đang nóng bỏng khi Gojek gia nhập cuộc chơi. Gojek vừa mới tiếp nhận thêm các nhà đầu tư hùng hậu như Facebook, PayPal, Google, Tencent… như hổ thêm cánh cả về công nghệ, tài chính, lẫn kho người dùng. Như vậy, Gojek sẽ là đối thủ cân tài, cân sức của Grab - một đại gia được định giá hơn 14 tỷ USD với các cổ đông lớn như Softbank, Toyota, Microsoft, Hyundai...
Cuộc chiến sẽ còn thú vị hơn khi có sự tham chiến của Zalo với sự hậu thuẫn của kỳ lân công nghệ VNG bằng sự am hiểu thị trường và hơn 100 triệu người dùng. Cùng với đó là hàng loạt ứng dụng mới nổi cũng đang đổ tiền vào phát triển siêu ứng dụng như Be, Momo, Traveloka, Lozi, Foody…
Dù ai trở thành ông trùm thì thị trường và người dùng đều hưởng lợi, bởi khi xuất hiện sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ buộc các nhà cung cấp phải không ngừng đổi mới, tạo ra những sản phẩm tốt, ưu việt, giá tốt dành cho người dùng.