Thời sự
Cuối tháng 12/2020 mới trình Đề án Quy hoạch điện VIII
Thanh Hương - 25/11/2020 09:17
Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Công thương lùi thời hạn trình Thủ tướng đối với Đề án Quy hoạch Điện VIII đến cuối tháng 12/2020.

Trước đó ngày 13/11/2020, Bộ Công thương đã có văn bản 8739/BCT-ĐL báo cáo về các nội dung liên quan đến công tác trình duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII và đề xuất thành lập Hội đồng thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII cùng đề nghị lùi thời gian trình tới cuối tháng 12/2020.

Đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương về lùi thời gian trình Đề án Quy hoạch điện VIII tới cuối tháng 12/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhắc Bộ này khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định tại Luật Quy hoạch để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Quy hoạch Điện VIII bảo đảm đúng quy định, không muộn hơn thời hạn nêu trên.

Lưới điện truyền tải là khâu cần được tập trung trong thời gian tới

Bộ Công thương cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Dự thảo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Đề án Quy hoạch Điện VIII, trong đó xác định cụ thể thành phần các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm về quy hoạch điện lực tham gia Hội đồng thẩm định, trình Chính phủ trước ngày 25/11.

Trong hội thảo lần 2 được tổ chức cuối tháng 9/2020, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã tính toán, trong giai đoạn 2020 - 2030, tổng công suất nguồn của hệ thống sẽ tăng thêm 80.000 MW so với gần 60.000 MW hiện đang có.

Với dự kiến này, các nguồn điện lớn (điện than, khí và LNG) sẽ tăng thêm khoảng 30.000 MW; điện gió các loại và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng 30.000 MW. Kết quả nghiên cứu của Đề án cũng chỉ ra rằng, xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như trước đây, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần với hướng ngược lại.

Việc nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực tuy cũng đã có chủ trương, tuy nhiên, quá trình triển khai nhập khẩu điện cũng chưa đạt được như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện.

Dẫu vậy nếu tính quy mô nguồn điện gồm tất cả các nguồn điện hiện có và đã được đăng ký hiện là khoảng 2.200 dự án với tổng công suất 220 GW (220.000 MW) và hiện nhiều vùng, nhiều tiểu vùng có quy mô nguồn đăng ký lớn hơn nhiều so với phụ tải của vùng và tiểu vùng. Hiện đang có sự mất cân đối khi có quá nhiều nguồn điện đăng ký tập trung tại miền Trung và miền Nam.

Điều này dẫn tới khả năng đến năm 2030, Nam Bộ và Nam Trung bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Nếu tất cả các nguồn đăng ký đầu tư đều được phê duyệt (162,5 GW) thì tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư 137 GW (dư 162%).

Tin liên quan
Tin khác