. |
Sáng 12/6, phiên tòa xét xử 4 cựu lãnh đạo Vinashin nhận lãi ngoài trái pháp luật tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát đã có phần đối đáp đưa ra những chứng cứ chứng minh sự thông đồng cấu kết của các bị cáo gồm Nguyễn Ngọc Sự (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin), Trần Đức Chính (SN 1976, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin), Trương Văn Tuyến (SN 1950, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin), Phạm Thanh Sơn (SN 1972, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinashin).
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định các bị cáo có hành vi gian dối, che giấu việc sử dụng nguồn tiền, qua mặt cơ quan quản lý ở đây là Bộ Tài chính.
Khi Vinashin có văn bản xin phép sử dụng tiền gửi có kỳ hạn, Bộ Tài chính có văn bản 15430 về sử dụng nguồn 2.200 tỷ đồng nói rõ chỉ được phép vào các nội dung sau: trả các khoản nợ cấp bách quá hạn, trả nợ nước ngoài đến hạn không đàm phán được, hỗ trợ các đơn vị thành viên thực hiện công tác, các sản phẩm trọng điểm dự kiến bàn giao trong năm 2011. Không có nội dung cho phép gửi tiền có kỳ hạn.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1439 ngày 29/11/2010 đồng ý với Bộ Tài chính, yêu cầu Vinashin sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn tiền.
Tuy nhiên, đến ngày 29/12/2010, Chính và Sơn đã phê duyệt gửi 600 tỷ đồng từ nguồn tiền này vào Oceanbank.
“Bị cáo Sơn bảo không biết nhưng bút tích còn đây” – đại diện Viện Kiểm sát nói.
Còn bị cáo Tuyến ký giấy ủy quyền cho Sơn gửi tiền vào ngân hàng dù biết Vinashin đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Bị Tuyến vi phạm ngay từ khi làm ủy quyền,
Chỉ 2 ngày sau việc phê duyệt gửi tiền nói trên, bị cáo Sơn ký văn bản báo cáo Bộ Tài chính không nhắc đến việc gửi tiền có kỳ hạn vào ngân hàng. Báo cáo này gửi cả tới Chủ tịch HĐTV nên bị cáo Sự phải biết nội dung này.
Đối với nguồn tiền 4.190 tỷ đồng, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Vinashin sử dụng để tập trung ngành nghề kinh doanh chính, đóng tiếp tàu dở dang, hạch toán tăng vốn nhà nước và báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định. Không có nội dung cho phép gửi tiền.
Nguồn tiền này đưa vào tài khoản Kho bạc Nhà nước và thông qua Kho bạc Nhà nước để kiểm soát hoạt động chi tiêu của Vinashin. Nếu để nguồn tiền này ở Kho bạc, các bị cáo không thể gửi tiền lấy lãi ngoài.
Do đó, bị cáo Sự đã ký văn bản đề nghị chuyển tiền này từ Kho bạc Nhà nước về tài khoản tại Oceanbank để chủ động hoạt động kinh doanh vào đúng mục đích mà quyết định Thủ tướng cho phép.
Nơi gửi đều có Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc nên các bị cáo Sơn, Tuyến đều biết nguồn tiền này phải thực hiện như thế nào.
Bị cáo Sơn ký văn bản ngày 7/10/2011, có gửi cả Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho chuyển tiền sang tài khoản Vinashin để chủ động. Sau đó Bộ Tài chính mới có văn bản đồng ý chủ trương nhưng yêu cầu phải sử dụng theo đúng quyết định của TTCP
Tiếp đó, trên tờ trình ngày 4/12/2011, các bị cáo xác định đã gửi vào Oceanbank số tiền 3.964 tỷ đồng và đề xuất giảm rủi ro phải thêm gửi thêm ngân hàng khác. Trên tờ trình có ý kiến Trần Đức Chính, Phạm Thanh Sơn, phê duyệt của Trương Văn Tuyến, ý kiến của Nguyễn Ngọc Sự.
Đáng chú ý, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra thông tin về việc sử dụng 2 khoản tiền nói trên. Theo đó, đối với số tiền 2.200 tỷ đồng chuyển từ PVN về, các bị cáo đã thực hiện việc gửi tiền nhiều lần. Gửi tại Oceanbank đợt 1 là 800 tỷ đồng, gửi đợt 2 là 600 tỷ đồng, gửi PVBank là 400 tỷ đồng và 1 ngân hàng nữa 200 tỷ đồng.
Số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ hỗ trợ, các bị cáo đã gửi vào Oceanbank đợt 1 số tiền 1.050 tỷ đồng, đợt 2 là 2.075 tỷ đồng. Các số liệu này, Cơ quan điều tra đã xác minh tại Vinashin khi bị cáo Sự chưa bị bắt.
Hiện, tại Oceanbank, Vinashin vẫn còn đọng lại khoảng 1.700 tỷ đồng chưa được giải quyết.
Với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của OceanBank, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) và cán bộ lãnh đạo tại OceanBank đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.
Mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng Nguyễn Ngọc Sự (Chủ tịch Hội đồng Thành viên), Trương Văn Tuyển (Tổng Giám đốc), Phạm Thanh Sơn (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính) và Trần Đức Chính (Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank sau đó chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.
Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoãi do các cán bộ của OceanBank chi.
Số tiền hơn 105 tỷ đồng này do Trần Đức Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng. Bị cáo Trần Đức Chính chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng. Bị cáo Trương Văn Tuyến chiếm hưởng cá nhân số tiền 3,5 tỷ đồng. Bị cáo Phạm Thanh Sơn chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng.