Bà Đỗ Thị Kim Lang, em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Pomina vừa bán ra toàn bộ 353.788 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,13% về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện trong ngày 12/12.
Trước đó, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái ông Đỗ Duy Thái đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, giảm sở hữu từ 1,64%, về còn 0,39% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến từ 22/11 đến ngày 20/12.
Bà Do Nhung (quốc tịch Mỹ), em gái ông Đỗ Duy Thái vừa bán ra toàn bộ 6.571.727 cổ phiếu POM, giảm sở hữu từ 2,35%, về còn 0% vốn điều lệ và giao dịch được thực hiện từ ngày 15/11 đến ngày 11/12.
Thêm nữa, ngày 7/8, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em ông Đỗ Duy Thái vừa bán ra 3 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2,9%, xuống 1,83% vốn điều lệ; ngày 17/8, một người em gái nữa của ông Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc cũng vừa bán ra 2,3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 3,64%, về còn 2,82% vốn điều lệ.
Bối cảnh người thân Chủ tịch mang cổ phiếu ra bán, từ ngày 18/7 đến ngày 12/12, cổ phiếu POM giảm 31,2%, từ 8.450 đồng về 5.810 đồng/cổ phiếu.
Kinh doanh dưới giá vốn, Thép Pomina tiếp tục lỗ thêm 110,5 tỷ đồng trong quý III/2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 503,49 tỷ đồng, giảm 83,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 110,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 715,6 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, Thép Pomina tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 5,24 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 577,87 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 32,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 5,41 tỷ đồng, về 11,33 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 50,5%, tương ứng giảm 60,22 tỷ đồng, về 58,92 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 45,94 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 27,17 tỷ đồng, tức giảm 73,11 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 63,28 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 7,4 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 55,88 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn ghi nhận lỗ thêm 110,5 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời lỗ hoạt động khác.
Lý giải việc tiếp tục thua lỗ, Thép Pomina cho biết do nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Pomina 3 sẽ hoạt động trở lại dự kiến vào đầu quý IV ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư. Ngoài ra, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, điều này dẫn đến Công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.947,96 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 646,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 707,55 tỷ đồng.
Như vậy, với việc tiếp tục lỗ thêm 646,98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023 thì tính tới 30/9/2023, Thép Pomina đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 868,5 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 2.796,8 tỷ đồng).
Được biết, trong năm 2023, Công ty Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm 2023, mức lỗ mà Thép Pomina ghi nhận đang vượt nhiều so với kế hoạch chỉ lỗ 150 tỷ đồng.
Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong 9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 253,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 46,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 5,19 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 56 tỷ đồng.
Chỉ còn 14,27 tỷ đồng tiền mặt và sử dụng 4.199,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Thép Pomina giảm 3,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 342,7 tỷ đồng, về 10.688,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 5.796,9 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.794,8 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.490,5 tỷ đồng, chiếm 13,94% tổng tài sản ...
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý III, quỹ tiền mặt còn lại của Thép Pomina đã giảm 93,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 192,01 tỷ đồng, về 14,27 tỷ đồng và chiếm 0,1% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 2,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 132,48 tỷ đồng, lên 6.351,08 tỷ đồng và chiếm tới 59,4% tổng nguồn vốn.
Thêm nữa, cũng tại thời điểm cuối quý III, Công ty sở hữu nợ ngắn hạn là 7.544,4 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 3.345,1 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn là 4.199,3 tỷ đồng.
Hiểu một cách đơn giản, Thép Pomina đang sử dụng 4.199,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (lớn hơn 1 năm), điều này gây rủi ro thanh khoản khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina
Trước đó, sau nhiều lần trì hoãn nộp Báo cáo tài chính bán niên và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát từ ngày 10/10, tới ngày 13/10, Công ty Thép Pomina mới công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Kiểm toán nhấn mạnh, trong nửa đầu năm 2023, Công ty Thép Pomina phát sinh lỗ 504,89 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế tới 30/6/2023 lên 758,1 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng tại thời điểm 30/6/2023, Công ty Thép Pomina đang ghi nhận nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 4.376,96 tỷ đồng, đồng thời Công ty Thép Pomina có một số khoản nợ vay đã quá hạn với số tiền 2.200,1 tỷ đồng, một số khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán 922,2 tỷ đồng.
“Các điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Thép Pomina”, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.