TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Theo ông, Quỹ BOG có thực sự góp phần kiềm chế, kiểm soát lạm phát không?
Quỹ BOG được hình thành từ năm 2009 theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Quỹ BOG được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể tính trên lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ. Trong trường hợp cần thiết, liên Bộ Công thương - Tài chính xem xét điều chỉnh mức trích lập cho phù hợp với biến động của thị trường. Việc sử dụng Quỹ được thực hiện khi giá cơ sở (giá xăng dầu nhập khẩu cộng với các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp… bình quân 15 ngày) cao hơn giá bán lẻ, hoặc việc tăng giá bán lẻ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Mục đích thành lập Quỹ BOG góp phần bình ổn giá xăng dầu - mặt hàng chiến lược, thiết yếu và là đầu vào của rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh - qua đó góp phần kiềm chế lạm phát. Nhưng qua theo dõi hoạt động liên tục 10 năm qua của Quỹ, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, Quỹ BOG không thực hiện được mục đích này.
Không thể phủ nhận được vai trò của Quỹ BOG trong việc “ổn định tâm lý” người tiêu dùng, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, thưa ông?
Lạm phát, hay nói nôm la là giá cả “leo thang”, chỉ xảy ra khi hàng hóa khan hiếm, tức là cung không đáp ứng đủ cầu, hoặc do lượng cung tiền ra thị trường vượt quá tổng trị giá hàng hóa, dịch vụ. Về nguồn cung, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, Nhà nước đã thực hiện dự trữ để bảo đảm an ninh năng lượng, nên chưa bao giờ xảy ra tình trạng khan hiếm hay thiếu hụt xăng dầu, dù là thiếu hụt trong thời gian ngắn.
Còn về tiền tệ, tổng số trích Quỹ BOG trong quý II/2019 chỉ 1.826 tỷ đồng, quá nhỏ so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lên đến 1.206.900 tỷ đồng trong quý này. Vì vậy, nếu nói Quỹ BOG góp phần bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, kiểm soát, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là khiên cưỡng.
Còn về việc “trấn an tâm lý người tiêu dùng”, Quỹ BOG cũng không làm được nhiều, vì nguồn lực của Quỹ rất hạn chế. Cụ thể, vào cuối năm 2018, số dư của Quỹ chỉ có hơn 3.504 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2019, qua mấy lần xả Quỹ, đến hết quý II/2019, Quỹ đã bị âm khoảng 500 tỷ đồng.
Số dư quỹ ít, đặc biệt là trong trường hợp bị âm, thì giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn tăng. Dù có muốn bình ổn, Quỹ BOG cũng đành “lực bất tòng tâm”, vậy làm sao có thể góp phần trấn an tâm lý người tiêu dùng.
Nhưng trong 10 năm qua, rất nhiều lần Quỹ BOG đã “cứu giá” xăng dầu rất hiệu quả?
Trong những lúc giá xăng dầu cơ sở tăng mạnh liên tục, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng ở mức hợp lý đúng là có góp phần giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhưng chỉ trong thời điểm nhất thời. Còn tính cả năm, việc cố tình kéo giá bán lẻ xăng dầu xuống không có tác dụng, vì khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, lại phải tăng mức trích quỹ để bù vào số tiền đã sử dụng khi “cứu giá”, thay vì giảm giá bán lẻ xăng dầu để giảm mặt bằng giá cả nói chung.
Xét một cách khách quan, khoa học, bình ổn thị trường xăng dầu thông qua Quỹ BOG có hại hơn là có lợi, đặc biệt khi giá xăng dầu trong nước cao hơn hoặc thấp hơn so với các nước trong khu vực, nhất là những nước có chung đường biên giới. Tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra khá phổ biến ở biên giới phía Tây - Nam và trên biển khiến ngân sách nhà nước thất thu, thậm chí người tiêu dùng Việt Nam còn phải gián tiếp bình ổn giá xăng dầu cho một bộ phận người dùng của các nước trong khu vực.
Vì vậy, khi đi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018, tôi và nhiều thành viên Đoàn Giám sát đề nghị giải tán Quỹ BOG, do quỹ này đã hết vài trò lịch sử, nếu có.
Quan điểm ủng hộ xóa bỏ Quỹ BOG cho rằng, cần xóa bỏ theo lộ trình, thưa ông?
Trước đây, Chính phủ không quy định cụ thể thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, nên cơ quan quản lý nhà nước cố gắng kiềm chế việc tăng giá, đặc biệt vào thời gian lễ, tết, đầu năm học mới. Nhưng việc kiềm chế giá xăng dầu cũng chỉ được một thời gian nhất định. Nếu giá xăng dầu cơ sở không giảm, thì phải tăng giá bán lẻ rất mạnh, nên người dân mới có câu ‘giảm nhỏ giọt, tăng ào ào’.
Thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cứ sau mỗi 15 ngày, giá bán lẻ xăng dầu mới được công bố, có khi tăng, có khi giảm, có khi giữ nguyên tùy vào giá cơ sở, nên người tiêu dùng đã quen với sự biến động của giá bán lẻ xăng dầu.
Vì vậy, quan điểm xóa bỏ Quỹ BOG theo lộ trình cho rằng, cần giảm thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xuống còn 10 ngày, sau đó xuống còn 7 ngày thì xóa bỏ Quỹ BOG.
Quan điểm của ông thì sao?
Theo tôi, cần phải xóa bỏ ngay, vì quỹ này không còn tác dụng bình ổn giá xăng dầu, nên không góp phần kiềm chế lạm phát, chứ nói gì đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2009, xăng dầu thành phẩm của nước ta chủ yếu phải nhập khẩu, nhưng Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá tối thiểu là 10 ngày (tăng giá), tối đa là 10 ngày (giảm giá). Bây giờ, sản xuất trong nước đã chủ động đến 80% lượng xăng dầu thành phẩm, thì hoàn toàn có thể thu hẹp khoảng cách điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 5 ngày hoặc 3 ngày và tiến tới thả nổi theo giá thị trường hằng ngày.