“Nguy cơ đóng cửa Lọc dầu Dung Quất là tất yếu”. Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ như vậy.
Theo ông Phúc, Trung ương đã quy định cơ chế giá bán sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trên nguyên tắc giá tham chiếu dầu nhập khẩu của nước ngoài cộng với thuế nhập khẩu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Các khoản thuế trên, Công ty đều nộp vào ngân sách nhà nước, riêng phần thuế nhập khẩu, Trung ương vận dụng ưu đãi của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho phép Công ty giữ lại 7% đối với xăng dầu, 5% đối với khí hóa lỏng và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu.
. |
Nhưng từ năm 2016, khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam với ASEAN, Việt Nam với Hàn Quốc có hiệu lực thì thuế nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu các nước này giảm mạnh, cụ thể mặt hàng xăng dầu Hàn Quốc từ 20% giảm xuống còn 10%, trong khi mức thuế nhập khẩu áp cho xăng dầu Bình Sơn vẫn giữ 20%.
“Như vậy, chỉ riêng sản phẩm xăng dầu rao bán cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cao hơn 10% so với xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc. Nếu Công ty hy sinh phần nhà nước ưu đãi để lại 7% thì giá bán vẫn cao hơn 3%. Vì vậy, nguy cơ đóng cửa nhà máy là tất yếu”, ông Phúc nói và đề nghị Chính phủ khẩn trương điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu áp vào giá bán sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trên nguyên tắc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Điều mà ông Phúc lo ngại, đó là đến năm 2017, chính sách ưu đãi của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có hiệu lực và kéo dài trong vòng 10 năm thì Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn lại tiếp tục đối mặt với sự bất bình đẳng mới.
Vì vậy, ông Phúc đã kiến nghị cùng với việc giảm thuế nhập khẩu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm nhập khẩu, Chính phủ cũng tính toán lại cơ chế ưu đãi cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trên nguyên tắc không gây áp lực cho ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước, không kể liên doanh hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hay các thành phần kinh tế khác của Việt Nam.
“Khi hội nhập, chúng ta vẫn cần vận dụng để có chính sách bảo hộ sản phẩm trong nước, ở đây Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ xin được bình đẳng với doanh nghiêp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn chính đáng, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ quan tâm để nhà máy sớm ổn định sản xuất, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực duyên hải miền Trung”, ông Phúc nhấn mạnh.