Ảnh minh họa |
Hưởng lợi từ xu hướng urea tăng giá mạnh
Kết thúc quý III/2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) cho thấy bức tranh kinh doanh khả quan nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng quý III/2021, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đạt 1.212,1 tỷ đồng, tăng gấp 2,17 lần cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn chỉ tăng 25% giúp Công ty thu về 383 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đảo chiều so với tình trạng giá vốn vượt doanh thu cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, doanh thu tài chính tăng mạnh, với 33,6 tỷ đồng. Kết quả, Đạm Hà Bắc thu về 117,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài từ năm 2015 đến nay. Kết quả đó diễn ra trong bối cảnh giá phân bón có xu hướng tăng cao, giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.
Dù đã có lãi trở lại trong quý III, nhưng do gánh nặng lỗ trong nửa đầu năm, nên lũy kế 9 tháng năm 2021, Đạm Hà Bắc vẫn báo lỗ sau thuế 297,1 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến ngày 30/9/2021 là 5.044,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.275,3 tỷ đồng.
Bước sang quý IV/2021, xu hướng tăng giá urea trong nước và quốc tế được kỳ vọng sẽ là nền tảng giúp Đạm Hà Bắc có thể duy trì kết quả kinh doanh khả quan, hướng tới việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra là chỉ lỗ 1 tỷ đồng năm nay. Tuy vậy, với nhiều vấn đề còn tồn tại trong bức tranh tài chính, triển vọng duy trì lợi nhuận dương trong dài hạn của Đạm Hà Bắc bị đánh giá là khá bấp bênh nếu điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Gánh nặng nợ vay, khấu hao đè nặng
Đến cuối quý III/2021, tổng nợ vay của Đạm Hà Bắc là 6.454,4 tỷ đồng, chiếm 63% tổng nợ phải trả, tỷ lệ nợ trong cơ cấu nguồn vốn ở mức 80,97% do vốn chủ sở hữu đang âm. Nợ vay lớn khiến lãi vay luôn là khoản lớn trong cấu trúc chi phí của Công ty.
Trong quý III/2021, tổng chi phí lãi vay mà Đạm Hà Bắc phải trả là 244,56 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng nợ vay đến ngày 30/9/2021 đã giảm 951 tỷ đồng so với dư nợ đến cuối quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, tổng chi phí lãi vay mà Công ty phải trả là 76,8 tỷ đồng, gấp 1,32 lần lợi nhuận gộp mà hoạt động kinh doanh tạo ra. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Công ty vẫn thua lỗ sau 9 tháng.
Ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính thấp do các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hầu như không đáng kể, khi phần lớn dòng tiền mà hoạt động kinh doanh tạo ra được sử dụng để thanh toán nợ vay đến hạn. Tính đến ngày 30/9/2021, Công ty có 287 tỷ đồng tiền và tương đương tiền các loại, còn số dư tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng chỉ 18 tỷ đồng, khá nhỏ so với quy mô tài sản 7.971 tỷ đồng.
Mặc dù báo cáo tài chính quý III/2021 chưa có thuyết minh chi tiết, nhưng tại báo cáo soát xét bán niên của Đạm Hà Bắc, số dư nợ dài hạn sắp đến hạn trả và chuyển sang hạch toán vào khoản mục nợ ngắn hạn đến ngày 30/6/2021 lên tới 2.451,8 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực cân đối dòng tiền trả nợ thời gian tới là rất lớn.
Chi phí khấu hao cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cấu trúc giá vốn của Đạm Hà Bắc, với giá trị khấu hao hàng năm trên 600 tỷ đồng. Việc gánh các khoản chi phí cố định lớn khiến kết quả kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Dù giá phân bón thế giới được dự báo duy trì ở mức cao cho tới năm 2022 giúp các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục hưởng lợi, nhưng sự khác biệt về công nghệ sản xuất có thể khiến Đạm Hà Bắc được hưởng lợi ít hơn so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong 9 tháng đầu năm, giá khí tự nhiên đã tăng 103% so với cùng kỳ, trong khi giá than tăng tới 226%. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất urea từ than như Đạm Hà Bắc sẽ hưởng lợi ít hơn đáng kể so với doanh nghiệp sản xuất từ khí.