. |
Niềm tin kinh doanh
Theo kế hoạch kinh doanh sơ lược năm 2020 vừa đưa ra, Đạm Phú Mỹ đặt kỳ vọng khá lớn về bức tranh kinh doanh năm tới khi đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 9.237 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 433 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2019, mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 tăng 6,8%, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đều cao gấp khoảng 2,5 lần.
Riêng với hoạt động của công ty mẹ, Đạm Phú Mỹ đặt ra các mục tiêu giàu tham vọng, với tổng doanh thu là 8.703 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 421 tỷ đồng. Theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 đều cao gấp khoảng 2,58 lần so với kế hoạch 2019.
Niềm tin của Đạm Phú Mỹ về kết quả kinh doanh 2020 cộng với dòng tiền đang khá dồi dào phần nào củng cố nhận định của nhà đầu tư về một địa điểm đầu tư đáng yên tâm.
Nền tảng tài chính của Đạm Phú Mỹ có thể nhìn thấy qua bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này với số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 30/9/2019 là 2.330 tỷ đồng. Đây là nhóm tài sản có giá trị lớn nhất (chiếm tới 42,6%) trong khối tài sản sản ngắn hạn của Đạm Phú Mỹ.
Quan sát biến động của nhóm tài sản tiền (và tương đương tiền) năm 2019, có thể thấy, dòng tiền từng ở mặt bằng rất cao trong các năm trước, sau đó có phần giảm sút trong giai đoạn 2017, 2018 và quý I/2019, rồi trở lại trạng thái khá dồi dào từ quý II và quý III/2019 (Bảng 2).
Tại thời điểm ngày 30/9/2019, ngoài tiền (và tương đương tiền), Đạm Phú Mỹ còn có một khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng không nhỏ với giá trị 875 tỷ đồng. Theo đó, cộng gộp cả 2 khoản tiền (và tương đương tiền) và đầu tư tài chính ngắn hạn, thì giá trị lên tới 3.205 tỷ đồng, chiếm 58,6% tài sản ngắn hạn và chiếm 40,2% vốn chủ sở hữu của Công ty. Đầu tư tài chính ngắn hạn thực chất cùng là một tài sản có tính thanh khoản không kém so với tiền là bao nhiêu, bởi toàn bộ khoản này là các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Với nguồn tiền lớn như trên, các cổ đông của Đạm Phú Mỹ hoàn toàn có thể “kê cao gối ngủ yên” về khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp. Tổng nợ phải trả chỉ ở mức 3.105 tỷ đồng, thậm chí nhỏ hơn tổng 2 khoản tiền (và tương đương tiền) và đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong khi đó, nợ ngắn hạn thậm chí còn thấp hơn nhiều, với giá trị chỉ là 1.594 tỷ đồng.
Quản lý, sử dụng ra sao dòng tiền dồn ứ?
Yên tâm là vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là, với việc cầm giữ nhiều tiền như vậy, Đạm Phú Mỹ có thực sự đang sử dụng tối ưu hiệu quả về nguồn lực tài chính. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề điều tiết tài sản này, đại diện Đạm Phú Mỹ cho biết, các khoản tiền và tương đương tiền của Công ty được quản lý, sử dụng phù hợp với yêu cầu thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phù hợp với tính chất của từng loại tài sản.
Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, giai đoạn 2009 - 2012, thị trường phân đạm trong nước diễn biến tích cực, giá phân bón liên tục tăng, dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ qua các năm liên tục đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Trong khi dòng tiền kinh doanh về nhiều, nhu cầu đầu tư vào tài sản cố định của Đạm Phú Mỹ lại không cao, nhiều nhất là khoản đầu tư vào năm 2009 - 2010 cho việc xây dựng hệ thống thu hồi CO2 từ khói thải Primary Reformer trị giá 27 triệu USD (gần 600 tỷ đồng), nhằm nâng cao năng suất từ 740.000 tấn lên 800.000 tấn/năm. Vì vậy, khoản tiền và tương đương tiền của Công ty trong giai đoạn trên liên tục tăng.
Cụ thể, giá trị tiền (và tương đương tiền) của Công ty tăng từ 943 tỷ đồng (chiếm 18% tổng tài sản) cuối năm 2008 lên 5.629 tỷ đồng (tương đương 53% tổng tài sản) vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, quá trình kinh doanh cũng có những giai đoạn khó khăn, khi giá khí đầu vào tăng và áp lực cạnh tranh cao với phân đạm nhập khẩu. Theo đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đã có phần bị ảnh hưởng trong giai đoạn năm 2017, 2018 và đầu năm 2019, sau đó có xu hướng tăng trở lại vào quý II và quý III/2019.
Tương đồng với “người anh em”
Nhìn sang “người anh em” khá tương đồng với Đạm Phú Mỹ là Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM, sàn HoSE), có thể thấy điểm chung là “trong tình trạng rất nhiều tiền”. Chỉ có điều, Đạm Cà Mau để tiền nhiều ở dạng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi phần lớn tiền của Đạm Phú Mỹ vẫn ở trạng thái tiền (và tương đương tiền).
Cụ thể, tại thời điểm ngày 30/9/2019, Đạm Cà Mau có số dư tiền (và tương đương tiền) là 571 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 1.532 tỷ đồng. Tổng cả 2 khoản này lên tới 2.103 tỷ đồng, xét về quy mô cũng không thua kém tổng 2 khoản đó của Đạm Phú Mỹ là bao.
Tuy nhiên, tính chất nhiều tiền chỉ diễn ra với các doanh nghiệp ngành phân đạm, trong khi các công ty phân bón có phân khúc sản phẩm khác như Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hoặc Công ty Phân lân Ninh Bình đều có tỷ trọng tiền và đầu tư tài chính rất nhỏ so với quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này (Bảng 3).
Phân tích về các thời điểm dòng tiền có phần giảm sút hơn (như tỷ trọng tiền và tương đương tiền của Đạm Phú Mỹ ở mặt bằng cao trong giai đoạn từ năm 2017 về trước, rồi giảm vào năm 2018 và quý I/2019), ông Nam cho biết, đó là những giai đoạn các công ty phân đạm gặp khó khăn do tình trạng dư cung tác động làm giảm giá phân đạm, nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm.
Đây cũng là giai đoạn thị trường có xu hướng sử dụng phân NPK chất lượng cao kết hợp với phân hữu cơ, vi sinh, kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng cho ngành phân bón giai đoạn tới. Do đó, Đạm Phú Mỹ đã sử dụng tiền đầu tư phát triển sản phẩm này. Một trong những hoạt động đó là việc đầu tư tổ hợp dự án NH3-NPK với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2015 và hoàn thành lắp đặt vào năm 2017.
Thấp thỏm bài toán hiệu quả vốn
Những phân tích trên cho thấy, trạng thái nhiều tiền của các doanh nghiệp ngành phân đạm như Đạm Phú Mỹ hoặc Đạm Cà Mau chủ yếu xuất phát từ yếu tố đặc thù ngành kinh doanh. Tuy nhiên, xét về dài hạn, việc các doanh nghiệp tiếp tục để cơ cấu tài chính trong trạng thái dư tiền quá lâu ít nhiều cũng cho thấy khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp chưa thực sự tối ưu.
Theo kế hoạch đầu tư năm 2020, Đạm Phú Mỹ dự kiến chỉ dành số tiền đầu tư khoảng 107 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản dự chi cho mua sắm thêm tài sản cố định và trang thiết bị. Số tiền dự chi cho đầu tư năm 2020 của Công ty theo đó chỉ bằng khoảng 4,6% tổng số dư tiền (và tương đương tiền). Điều này cho thấy, Đạm Phú Mỹ chưa có kế hoạch đầu tư cho dự án gì lớn trong năm tới.
Đối với Đạm Phú Mỹ, kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2019 cho thấy, năm 2019 chưa phải là một năm ăn nên làm ra. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm chỉ đạt 5.434,5 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế lũy kế chỉ đạt 151,8 tỷ đồng, giảm 72,9% so với cùng kỳ.
Diễn biến kinh doanh vừa qua cho thấy, việc Đạm Phú Mỹ vẫn còn thấp thỏm trong bài toán hiệu quả vốn và việc lựa chọn phương án tạm thời để tiền tạm “nghỉ ngơi” và theo dõi diễn biến kinh doanh tiếp theo trong những tháng đầu năm 2020, thay vì sớm bung lực đầu tư ngay, cũng là điều không quá khó hiểu.
Theo đánh giá của ông Nam, sự tăng trưởng nhanh giá trị tiền (và tương đương tiền) của Đạm Phú Mỹ trong một số giai đoạn là hợp lý với tình hình kinh doanh trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, trong bài toán đầu tư, Công ty cũng không nhất thiết phải sử dụng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh để đầu tư vào các khoản mục đầu tư khác ngoài lĩnh vực kinh doanh chính chưa rõ hiệu quả, mà lại chứa yếu tố rủi ro cao.