Lượng khách quốc tế đến Việt Nam được tổng hợp, công bố hàng tháng với các chi tiết như đến bằng phương tiện gì, mục đích đến, người châu lục nào, nước nào, số tiền chi tiêu của khách…. Tính từ năm 1994, khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ đến nay là 21 năm. Trong thời gian này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng với tốc độ khá (năm 2014 đông gấp gần 11,8 lần năm 1993, bình quân 1 năm tăng gần 12,5%).
Tuy nhiên, đà tăng không được liên tục, bị ngắt quãng 4 lần. Lần thứ nhất vào năm 1998, do tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực. Lần thứ hai vào năm 2003, do tác động của dịch SARS. Lần thứ ba vào năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Lần thứ tư rất có thể rơi vào năm nay, khi 5 tháng đầu năm đã giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước.
Thực ra, so với cùng kỳ, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã bị giảm từ tháng 5 năm trước (tính đến nay đã 13 tháng), khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm ở cả 3 loại phương tiện đến, trong đó, đường biển chiếm tỷ trọng nhỏ nhất (chưa đến 0,8% tổng số) và giảm với tốc độ lớn nhất, giảm 34,4%; đường bộ chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (17%) và giảm 23,1%; đường hàng không chiếm tỷ trọng lớn nhất (82,2%), bị giảm 9,8%.
Khách quốc tế đến Việt Nam cùng với chi tiêu của họ đã mang lại một lượng ngoại tệ khá lớn (từ vài năm nay đã vượt qua mốc 7 tỷ USD một năm), cao hơn lượng vốn ODA giải ngân, cao hơn mức xuất siêu hàng hoá. Khách quốc tế đến Việt Nam, cùng với lượng ngoại tệ này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia...
Trong 5 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 412.700 lượt người. Giả sử với chi tiêu bình quân 1 lượt khách được giữ như năm 2014 (927,1 USD), thì ước tính lượng ngoại tệ thu được từ chi tiêu của khách quốc tế trong 5 tháng của năm nay bị giảm khoảng 382,6 triệu USD, tương đương với khoảng 8.302,4 tỷ đồng, đây là một số tiền không nhỏ. Sự sụt giảm về lượng khách sẽ làm cho lượng ngoại tệ thu được sẽ tiếp tục giảm so với năm trước và sẽ là năm thứ hai liên tục bị sụt giảm.
Việt Nam có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo, được xếp vào hàng kỳ quan của thế giới. Bên cạnh đó, mức sinh hoạt ở Việt Nam còn rẻ, một USD ở Việt Nam hiện có sức mua cao gấp 2,8 lần tại Mỹ, nên giá cả nhiều mặt hàng liên quan đến ăn uống, đi lại, hàng lưu niệm... vẫn thuộc loại thấp so với nhiều nước. Vậy tại sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam so với dân số còn thấp (mới đạt khoảng 8 khách so với 100 chủ, thấp xa so với nhiều nước có tới 80 khách, thậm chí tới mấy trăm khách so với 100 chủ). 5 tháng đầu năm khách quốc tế lại bị sụt giảm, trong khi một số nước trong khu vực lại tăng lên (như Thái Lan tăng 20%). Điều đó cho thấy, chúng ta không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan như kinh tế nhiều nước khó khăn, một bộ phận người dân ở các nước phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm những khoản chi tiêu… mà phải nghiêm túc phân tích tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch quốc tế là hình thức quảng bá cho đất nước, nhưng công tác quảng bá của bản thân ngành du lịch Việt Nam còn đơn sơ và chậm thay đổi. Nhiều hạn chế, bất cập chậm được khắc phục, nhất là còn thiếu tính chuyên nghiệp.n