Thời sự
Đánh giá thực chất tình hình kinh tế - xã hội 2024
Nguyễn Lê - 09/10/2024 11:06
Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội luôn là nội dung được trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc mỗi kỳ họp.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận.

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội luôn là nội dung được trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc mỗi Kỳ họp.

Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao Chính phủ, chính quyền các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội, ủng hộ của nhân dân, đã triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp, nhờ đó kinh tế - xã hội 2024 đạt nhiều kết quả.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cần “đánh giá thực chất, không bôi đen cũng không tô hồng. Nhưng dường như báo cáo này, chúng tôi thấy tô hồng hơi nhiều”.

Ông Cường phân tích, báo cáo (đầy đủ) dành 49 trang nói về thành tựu, kết quả, nhưng chỉ dành 5 trang nói về hạn chế. Thực tế có như thế không?

Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, cần phân tích đầy đủ hơn các khó khăn để tương đối cân bằng giữa thành tựu và hạn chế. “Thực tế mà nói trong bức tranh của nền kinh tế, khó khăn hiện nay, nhất là khó khăn của doanh nghiệp không hẳn như đánh giá ở báo cáo”, ông Cường nhận xét và đề nghị quan tâm thêm đến nội dung này.

Cũng đề cập hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh thị trường vàng trong nước có nhiều yếu tố rủi ro. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để bảo đảm thị trường trong nước và quốc tế tiệm cận nhau”, bà Nga nói.

Vấn đề tiếp theo được bà Nga nêu là thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản khi giá thế này.

“Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn chậm. Các nghị định Chính phủ đã ra đời nhưng văn bản hướng dẫn của địa phương rất chậm.

Quốc hội đã quyết định hiệu lực của mấy luật này từ 1/8/2024, đề nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn 3 luật này, bà Nga phát biểu.

Cũng cần được quan tâm, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga là tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp và tinh vi, giải pháp chống tham nhũng thời gian qua làm tốt nhưng phòng ngừa cần chú trọng hơn, bà Nga nhìn nhận.

Nêu ý kiến về lĩnh vực giáo dục, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh vấn đề người dân hết sức quan tâm và cũng ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình là tình trạng lạm thu đầu năm học.

Bà Hải nói rõ đây là hiện tượng không mới, Chính phủ, Quốc hội, các địa phương đã giám sát rất tích cực, nhưng trên thực tế vẫn có. “Đây là bệnh cũ nhưng cần phương pháp điều trị mới”, theo bà Hải.

Bên cạnh đó, về sách giáo khoa, bà Hải nêu thực tế, sau cải cách có nhiều bộ sách, mỗi trường sử dụng một bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc này là tốt và đang được ủng hộ. Nhưng khi học sinh chuyển trường phải mua sách mới, giá khoảng 300.000 đồng, là khoản tiền lớn so với các hộ vùng sâu vùng xa.

Trưởng ban Công tác đại biểu đề xuất, cần có tủ sách thư viện, để các cháu có chuyển trường cũng được mượn sách ở thư viện. Hoặc trong tình huống bão lũ, trẻ em vùng xuôi có thể thông qua thư viện để ủng hộ sách cho trẻ em vùng lũ.

Đề xuất này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, rất cần được quan tâm.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội cũng chỉ rõ một số vấn đề xã hội cần được quan tâm. Thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn; tình trạng quảng cáo, bán thực phẩm như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng internet chưa có giải pháp xử lý triệt để, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trong năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất, tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra nêu rõ, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta. Dân số tiếp tục xu hướng già hóa nhanh, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”. Tình hình tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với ý kiến tại báo cáo thẩm tra và sẽ tiếp thu các góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội. 

Tin liên quan
Tin khác