Doanh nghiệp
Đánh thức khát vọng, bắt đầu từ thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ
Khánh An - 02/09/2023 09:18
Khi doanh nghiệp tư nhân được khích lệ, để dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng vươn tới khát vọng lớn hơn, khát vọng phát triển của đất nước sẽ được đánh thức, bắt đầu từ thực hiện các mục tiêu nhiệm kỳ.

1.

“Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 không thể mãi là giấc mơ”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trầm ngâm, khi thêm một lần nữa lật lại những mục tiêu vô cùng thách thức của Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Ngoài con số 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, Nghị quyết số 10-NQ/TW còn xác định những chỉ tiêu rất cụ thể. Đó là tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…

“Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang rất cần năng lượng và sức sáng tạo từ một cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ, đông đảo, để có được động lực tăng trưởng trong bối cảnh phát triển đầy thách thức nhưng cũng vô vàn cơ hội. Nhưng, chúng ta mới có được khoảng 900.000 doanh nghiệp. Năm 2010, chúng ta cũng đã từng đặt kế hoạch, rồi không đạt được 500.000 doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung lý giải sự lo ngại.

Gần 40 năm của chặng đường Đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển khá nhanh, đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong số này, 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng có tới 70% là doanh nghiệp siêu nhỏ, 25% doanh nghiệp nhỏ, rất ít doanh nghiệp quy mô vừa.

Không chỉ số lượng doanh nghiệp chưa nhiều, mà mật độ doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân còn thấp, chỉ khoảng 9 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2022. Thậm chí, có 1 tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp/1.000 dân; 9 tỉnh có 2 doanh nghiệp/1.000 dân; 40 tỉnh có mật độ không quá 4 doanh nghiệp/1.000 dân. Số doanh nghiệp tư nhân trong nước kinh doanh có lãi ở mức rất thấp.

“Tôi đã tính toán bình quân giai đoạn 2016 - 2022, tỷ lệ này chỉ là 40%, trong khi khu vực doanh nghiệp FDI có lãi là 50%, doanh nghiệp nhà nước là 80%. Số doanh nghiệp tư nhân khai báo kinh doanh thua lỗ là 50%. Riêng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, chưa đến 30% doanh nghiệp có lãi, hiệu quả kinh doanh trên tất cả các chỉ số đều rất thấp...”, ông Cung nói.

Đặc biệt, vị chuyên gia chuyên về cải cách môi trường kinh doanh hơn 30 năm qua đang lo ngại về sự chậm lại của tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, sự tăng lên rất nhanh của tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Không thể để thành lập doanh nghiệp không còn là cơ hội đầu tư, kinh doanh hấp dẫn nữa, vì nếu vậy, khoảng cách đến các mục tiêu về doanh nghiệp trong các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đang xa dần”, ông Cung cảnh báo.

Vấn đề quan trọng là, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng trở nên thách thức.

2.

Hồi tháng 4/2023, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã nhắc tới “trào lưu” ngủ đông - để nói đến tình trạng co cụm sản xuất, ngại cạnh tranh, không dám làm… của một bộ phận doanh nghiệp khi tình hình thị trường, tình hình kinh doanh quá khó khăn, phức tạp, cả trong nước và thế giới.

Bà Nga được biết đến là nữ doanh nhân truyền lửa, luôn tràn đầy năng lượng khi nói về Việt Nam, về những sản phẩm, vẻ đẹp Việt Nam mà bà tin rằng, sẽ đủ điều kiện chinh phục thế giới. Các dự án của BRG cũng thường được bà giới thiệu là, dù không nhiều, không có quy mô đồ sộ, nhưng được triển khai rất cẩn thận, kỹ lưỡng với mong muốn và khát vọng đó.

Tuy vậy, bà Nga cũng phải thừa nhận, để nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp tư nhân cần được đánh thức, được khích lệ để dám nghĩ, dám làm và có nhiều khát vọng lớn hơn.

Đây cũng là điều mà các chuyên gia kinh tế đang rất trăn trở.

“Chính tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân tư nhân đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội, thúc đẩy và tạo động lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và hoàn thiện thể chế của đất nước”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ quan điểm.

Nền kinh tế Việt Nam đang rất cần năng lượng và sức sáng tạo từ một cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ, đông đảo, để có được động lực tăng trưởng trong bối cảnh phát triển đầy thách thức nhưng cũng vô vàn cơ hội.

- TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Hiện tại, theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, kinh tế tư nhân đang huy động nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp khoảng 46,4% vào GDP của Việt Nam… Song, ông cũng nhìn thấy năng lực hội nhập và cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn thấp, chủ yếu vẫn là gia công, nhập khẩu để gia công. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu; 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài…

Nguyên nhân có phần từ nội tại doanh nghiệp, nhưng có phần lớn từ môi trường thể chế, từ tư duy quản lý nhà nước “xét - duyệt - cấp”…

Vào thời điểm này, khi nhiệm kỳ Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 đã đi quá nửa, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục dẫn lại những cảnh báo vốn không mới, đó là doanh nghiệp Việt Nam đang bị trói buộc bởi nhiều rào cản, điều kiện, nên khó lớn, thậm chí không thể lớn được.

Sự suy giảm của khu vực doanh nghiệp vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ trên tất cả các mặt, gồm tỷ trọng doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động sử dụng, số doanh nghiệp kinh doanh có lãi và hiệu quả kinh doanh là ví dụ điển hình.

“Chiếc áo cơ chế quá chật đã trói các động lực tăng trưởng, khiến các doanh nghiệp chưa thể thoát được mô hình tăng trưởng truyền thống, đó là dựa vào tài nguyên, lao động. Hệ quả là, kinh tế TP.HCM suy giảm tốc độ và vị thế trong gần 10 năm qua. Không thể để tình trạng này lặp lại ở các vùng khác, nhất là khu vực đồng bằng Bắc bộ”, ông Thiên phân tích.

Nhưng, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chìa khóa để kích hoạt các động lực tăng trưởng được nhắc tới không chỉ là những cơ chế đặc thù đang được thử nghiệm, hoặc đang được đề xuất nghiên cứu thử nghiệm như với đề án tạo các “sếu đầu đàn” trong cộng đồng doanh nghiệp, mà phải là đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới thể chế, bước chân dứt khoát vào cơ chế thị trường.

3.

Trở lại với các mục tiêu rất cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, thời gian của nhiệm kỳ chỉ còn 2 năm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc cần làm đầu tiên, cấp bách là hóa giải được tâm lý không dám làm.

“Trong bối cảnh bình thường, việc đạt được các mục tiêu trên đã rất khó khăn, thì trong bối cảnh bên ngoài không thuận, bên trong phải nỗ lực bội phần. Trước mắt, chỉ cần gỡ mọi rào cản để các dự án, các kế hoạch đầu tư tồn đọng mấy năm nay triển khai được, để doanh nghiệp duy trì hoạt động và cũng đề chuẩn bị nguồn lực cho tăng trưởng nhiệm kỳ tới”, ông Cung nói.

Ông Cung cũng thừa nhận, giải pháp này tưởng có thể làm ngay, làm nhanh, nhưng lại đang đối mặt với thực tế là rất khó tuân thủ quy định pháp luật một cách tuyệt đối, các quy định chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Đây cũng là điều PGS-TS. Trần Đình Thiên từng chia sẻ, vì môi trường kinh doanh của Việt Nam rất năng động, đang chuyển đổi, nên có những vấn đề có thể đúng trong tương lai, song không phù hợp với hiện tại, dễ gây rủi ro.

Về mặt cấu trúc, theo ông Thiên, nền kinh tế cần sự phát triển theo trục liên kết, thiết kế theo chuỗi sản xuất với sự kết nối các doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau, các loại hình kinh doanh khác nhau. Trong chuỗi liên kết này, các tập đoàn kinh tế mạnh đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

“Đất nước cần có những doanh nghiệp trụ cột để cạnh tranh. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể học hỏi cách tiếp cận như Hàn Quốc khi phát triển các chuỗi sản xuất nội địa, với những cơ chế phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, từ đó tạo cơ cấu kinh tế mạnh mẽ”, ông Thiên bày tỏ quan điểm.

Với góc nhìn này, một mặt, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng sự chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu để nâng cao chất lượng, nhưng mặt khác, doanh nghiệp nội địa cũng phải có nhiều “đại bàng”, để đủ sức “hợp đàn” với “đại bàng quốc tế”. Tương tự, trong hướng phát triển kinh tế vùng, tập trung cho các trọng điểm phát triển kinh tế, tạo động lực lan tỏa.

“Thời điểm này, chúng ta thực sự cần Nhà nước kiến tạo để thúc đẩy, kiểm toát tốt thị trường nhưng không kìm hãm sự phát triển của thị trường; cần Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung đặt kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác