Theo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ trình Quốc hội, đến năm 2015, tổng diện tích đất nông nghiệp là 26.791.580 ha, tăng 565.190 ha so với năm 2010. Trong đó, diện tích đất trồng lúa hiện có 4.030.750 ha, giảm gần 90.000 ha so với năm 2010.
“So với chỉ tiêu được Quốc hội cho phép thì diện tích đất trồng lúa vẫn nằm trong giới hạn cho phép”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang khẳng định tại Kỳ họp thứ 11, Khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trình bày, nhóm đất phi nông nghiệp hiện tại có 4.049.110 ha, tăng 399.020 ha so với năm 2010, trong đó diện tích đất khu công nghiệp là 103.320 ha, tăng 31.330 ha so với năm 2010, nhưng mới chỉ đạt khoảng 79,5% so với chỉ tiêu Quốc hội cho phép.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang. |
Từ thực trạng đất đai hiện nay (còn 2.288.000 ha chưa sử dụng), Chính phủ xây dựng kế hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm 218.310 ha đất trồng lúa, trong đó, đất chuyên trồng lúa giảm 53.470 ha. Diện tích đất khu công nghiệp (bao gồm cả diện tích dành cho khu chế xuất) đến năm 2020 đạt 191.420 ha, giảm 8.590 ha so với chỉ tiêu đã được Quốc hội cho phép.
Các loại đất được phép giảm trong giai đoạn 2016 - 2020, theo ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dành để quy hoạch sử dụng đa mục đích. Trong đó, Khu công nghệ cao Hoà Lạc, TP.HCM và Đà Nẵng được quy hoạch 3.630 ha; 16 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được quy hoạch 1.582.960 ha, trong đó sử dụng 1.237.780 ha đất; đất dành cho đô thị tăng thêm 299.320 ha so với năm 2015 (đạt 1.941.740 ha).
Đất đai là tài nguyên quốc gia, là nguồn lực để phát triển đất nước, vì vậy, theo ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, khi thực hiện điều chỉnh phải tính toán thật kỹ đến việc ảnh hưởng, tác động không chỉ về kinh tế mà cả xã hội tại khu vực quy hoạch.
Ông Thành không phản đối quy hoạch diện tích đất dành cho khu kinh tế, song theo ông phải tính toán lại, bởi mở rộng diện tích đất khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất tác động đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân; ngân sách nhà nước cũng phải mất rất nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Dẫn chứng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) được quy hoạch với diện tích lên tới 39.400 ha, ông Thành đặt câu hỏi, cũng như nhiều khu kinh tế khác, không biết diện tích đất quy hoạch này có lãng phí hay không.
“Đã quy hoạch thì phải có kế hoạch sớm đưa vào sử dụng, nếu quy hoạch treo sẽ dẫn tới lãng phí tài nguyên đất đai và gây ra nhiều hệ luỵ tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị thu hồi đất”, ông Thành góp ý.
“Năm 2011, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015, tôi đã đề nghị tính toán lại xem đất khu công nghiệp sử dụng bao nhiêu thì quy hoạch bấy nhiêu, sử dụng hết thì quy hoạch tiếp, nhưng cuối cùng vẫn quy hoạch 150.000 ha. Kết quả là, hiện mới sử dụng 103.320 ha, tức là mới đạt 79,5% hạn mức”, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch nhắc lại và cho rằng, công tác quy hoạch đất dường như phụ thuộc vào thị trường chứ không căn cứ vào thực tế.
Theo ông Lịch, quy hoạch đất đai cần chia thành hai phần gồm phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng là bất di bất dịch, còn phần mềm có thể chuyển đổi mục đích sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Thí dụ, quy hoạch 3.760.000 đất trồng lúa thì quy hoạch cứng 3.000.000 ha không được sử dụng vào mục đích khác, 760.000 ha còn lại có thể sử dụng linh động vào các mục đích khác nhau.
“Ngay ở TP.HCM, nhiều đất trồng lúa đã được chuyển mục đích sử dụng, nhìn ngút tầm mắt không thấy cây lúa nào mà toàn “cây bê tông”, nhưng lại cứ quy hoạch làm đất trồng lúa thì không hợp lý, dẫn tới sử dụng không hiệu quả”, ông Lịch lấy dẫn chứng.
Trước những diến biến khó lường của khí hậu, tình trạng nước biển dâng đang báo động, hạn hán đang hoành hành ở khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, năm nào lũ lụt cũng đe dọa tới sản xuất nông nghiệp, vì vậy, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam cho rằng, quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất là cần thiết, nhưng phải phù hợp với sự biến đổi khí hậu.
“Đặc biệt, quy hoạch phải tương đối chính xác chứ quy hoạch một đường, sử dụng một nẻo gây bức xúc cho người dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Giá nông sản, đặc biệt là giá gạo trên thị trường thế giới nhiều năm qua giảm liên tục và giao dịch ở mức thấp, diện tích trồng lúa đạt hiệu quả thấp hơn so với sử dụng vào việc khác.Vì vậy, cũng như ông Trần Du Lịch, ông Lê Nam cho rằng, quy hoạch không nên quá cứng nhắc, nhưng cũng không nên khai thác triệt để vì đất đai là tài nguyên quốc gia không phải là vô tận, khai thác quá mức đã phá vỡ môi trường sống, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Trong quy hoạch đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất đô thị, thị trấn, thị tứ, đất ven đường giao thông… phải nghiên cứu lại cơ chế cho địa phương khai thác quỹ đất (đấu giá quyền sử dụng đất). Hiện nhiều địa phương đang khai thác quỹ đất quá mức, vì tiền khai thác từ đất đai được để lại cho địa phương 100%”, ông Nam chỉ ra thực trạng và nói vui rằng, nếu ông làm lãnh đạo địa phương ông cũng khai thác tối đa quỹ đất hiện có, lấy vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, còn nhiệm kỳ sau, quỹ đất không còn để khai thác sẽ có người khác lo.