Xuất khẩu nửa cuối tháng 5 có dấu hiệu phục hồi thấy rõ so với 15 ngày đầu tháng. |
Xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm hơn 10% so với cùng kỳ, nhưng trong thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, đã thấy rõ dấu hiệu phục hồi trong nửa cuối tháng 5, tạo thêm hy vọng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong tháng 6 và các tháng tới.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 5/2023 (16-31/5) đạt 29,81 tỷ USD, tăng 24,7% (tương ứng tăng 5,91 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 5/2023.
Xuất nhập khẩu hồi phục trong kỳ 2 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm lên 260,79 tỷ USD. Dù vậy, con số này vẫn giảm 15,3% (tương ứng giảm 47,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Về xuất khẩu, kỳ 2 tháng 5 năm đạt 16,43 tỷ USD, tăng 43,4% (tương ứng tăng 4,98 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 5/2023.
Kết quả tăng cao nhờ các nhóm hàng chính như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 714 triệu USD, tương ứng tăng 38,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 632 triệu USD, tương ứng tăng 48,4%; hàng dệt may tăng 547 triệu USD, tương ứng tăng 46,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 530 triệu USD, tương ứng tăng 44,3%...
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả trong kỳ 2 tháng 5 đạt 422 triệu USD, gấp 1,8 lần so với kỳ 1, chủ yếu đến từ tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng.
Hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 135,22 tỷ USD, giảm 12,3%, tương ứng giảm 18,88 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng nói, kim ngạch của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh trong kỳ 2, đạt 11,63 tỷ USD, tăng 43,7% tương ứng tăng 3,54 tỷ USD so với kỳ 1.Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 98,9 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 13,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch của cả nước.
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 5 đạt 13,38 tỷ USD, tăng 7,5% (tương ứng tăng 936 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 5/2023.
Các nhóm hàng tăng đang chú ý như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 137 triệu USD, tương ứng tăng 8%; dầu thô tăng 106 triệu USD, tương ứng tăng 30,4%; khí đốt hóa lỏng tăng 75 triệu USD, tương ứng tăng 502,6%...
Hết tháng 5, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Công thương, kinh tế thế giới vẫn khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.
Bộ này dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.
Tại Mỹ, thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới.
Điểu này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.