Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).
Ông Nguyễn Đức Tùng. |
Số hóa đang ngày càng chứng tỏ lợi thế, nhất là trong “thời Covid-19”. Các doanh nghiệp nông nghiệp số Việt Nam đã nắm bắt xu hướng này thế nào, thưa ông?
Covid-19 và những tác động của đại dịch này nằm ngoài tiên lượng của các nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Nhưng với tinh thần “trong nguy có cơ”, doanh nghiệp nông nghiệp số Việt Nam đã nỗ lực tìm lối đi phù hợp với thị trường và sự cấp bách của nền kinh tế.
Cơ hội rõ nhất là họ có thời gian nhìn nhận lại quá trình phát triển của mình, từ đó mạnh dạn đầu tư vào ứng dụng công nghệ, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sản xuất, nguồn lực lao động và nguồn lực đầu tư. Đơn cử, nếu trước đây, quản trị một nhà máy cần 5 lao động, thì nay, với ứng dụng công nghệ quản trị vận hành 4.0, chỉ cần một người cũng có thể làm tốt.
Việc áp dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực. Ngoài ra, đã xuất hiện những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ số vào thiết lập hệ thống canh tác, chăm sóc cây trồng/vật nuôi...
Trước đây, một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam từng lệ thuộc nguyên liệu (bao bì, thuốc bảo vệ thực vật…) từ nước ngoài. Nhưng từ khi Covid-19 ập đến, họ đã bắt tay hợp tác, ưu tiên dùng sản phẩm của nhau, nhờ đó duy trì sản xuất và phát triển tốt.
Như vậy, Covid-19 là cơ hội vàng cho doanh nghiệp nông nghiệp tái cơ cấu, tiến sâu vào những “sân chơi” đẳng cấp như CPTPP hay EVFTA?
Tái cơ cấu sản xuất bằng cách cơ cấu lại nguồn hàng và bạn hàng là mục tiêu rất áp lực. Để chinh phục được một thị trường mới, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, đến năng lực, số lượng…
Vị thế của Việt Nam đang ngày một gia tăng, các thị trường lớn đều muốn trở thành đối tác của chúng ta, gần đây nhất là EU với EVFTA và trước đó là các quốc gia ký kết CPTPP. Đây chính là cơ hội.
Tất nhiên, còn quá nhiều việc phải làm để tận dụng được cơ hội đó. Doanh nghiệp nông nghiệp nên điều chỉnh lại chiến lược đầu tư sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn ứng dụng công nghệ để “ra lò” sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn của sân chơi đẳng cấp.
Cùng với việc đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp còn phải đảm bảo về số lượng, nhất là khi cung ứng cho các thị trường quy mô lớn. Do đó, liên minh, liên kết là một trong những giải pháp tối ưu để đảm bảo số lượng hàng hóa, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản… Như vậy, giá trị và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt mới có thể cải thiện.
Theo ông, nếu tập trung vào chế biến sâu ở thời điểm này, Việt Nam có cần “làm lớn”, hình thành những trung tâm chế biến sâu tầm cỡ khu vực?
Ngay từ đầu, chúng tôi đã cho rằng, tất cả những trung tâm chế biến sâu phải được nghiên cứu kỹ để phối hợp được với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, bởi họ có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn, nhưng năng lực chế biến sâu hạn chế và hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn tại đó lại đến từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể phối hợp với các quốc gia trong ASEAN để phân chia lại thị trường, nghiên cứu xem quốc gia nào có lợi thế tốt nhất về mặt hàng nào và cùng định hình thị trường cho từng sản phẩm.
Dĩ nhiên, những trung tâm chế biến tầm cỡ khu vực cần phải được Chính phủ nghiên cứu và đầu tư, rất khó trông đợi từ các thành phần kinh tế khác. Bởi, các dự án này có quy mô lớn và mang tính dài hạn, trong khi doanh nghiệp luôn phải cân nhắc mục tiêu lợi nhuận.
Hơn nữa, quy định về vay vốn đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều vướng mắc. Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đang tích cực nghiên cứu Đề án Xây dựng quỹ đầu tư nông nghiệp số Việt Nam và mong muốn quỹ này sớm hình thành. Nếu không, rất khó đầu tư vào các dự án nông nghiệp trọng điểm.
Cơ hội thị trường lớn, nhưng vốn FDI vào nông nghiệp chiếm chưa đầy 2% tổng vốn FDI vào Việt Nam những năm gần đây. Do nông nghiệp kém sức hút hay đang gặp “tảng băng” nào, thưa ông?
Hãy bắt đầu từ chính sách. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay phụ thuộc vào nhiều chính sách khác với những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Dù ngành nông nghiệp đang nỗ lực xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng những ưu đãi đó quá nhỏ bé và manh mún.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhận thấy cơ hội, nhưng năng lực tập hợp/liên kết lại hạn chế. Điều này không hẳn do doanh nghiệp không ý thức được yêu cầu liên kết, mà vấn đề nằm ở chính sách.
Ví dụ, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú rất muốn thành lập một doanh nghiệp xã hội để tập hợp các hộ nuôi tôm trong vùng, nhưng mô hình này đang bị hạn chế bởi quy định không được phép có quá 100 thành viên (theo Luật Doanh nghiệp). Quy mô của ngành tôm hiện đã lên tới 3 - 4 tỷ USD, nếu cứ hoạt động theo từng nhóm nhỏ, thì sẽ gặp khó khăn trong việc tập hợp nguồn cung cho chế biến và xuất khẩu.
Mấu chốt cuối cùng là dòng vốn. Khi chúng ta có kịch bản đầu tư tổng thể cho ngành nông nghiệp, thì cần làm rõ vốn đối ứng của Chính phủ là bao nhiêu. Một dự án hạ tầng quan trọng như xây dựng trung tâm chế biến sâu, bảo quản nông sản quy mô lớn cần vài chục triệu USD hoặc cả tỷ USD, nên doanh nghiệp tư nhân/nhà đầu tư nước ngoài khó lòng đầu tư bài bản cho dự án dài hơi như vậy, vì phải căn cơ lợi nhuận.
Do vậy, việc xây dựng các dự án hạ tầng trọng điểm cho ngành nông nghiệp cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ khi có hạ tầng tốt, thì đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực FDI mới chảy mạnh vào nông nghiệp.