Hệ thống trà - cà phê Phúc Long như “hổ mọc thêm cánh” khi về dưới trướng Tập đoàn Masan. |
Những thương vụ sang tên, đổi chủ làm nóng thị trường
Thị trường F&B vừa có một phen dậy sóng trước thông tin Nova F&B (thuộc Nova Service - một trong 8 tổng công ty của NovaGroup) đổi chủ.
Nova F&B đang sở hữu 18 thương hiệu tự phát triển hoặc thông qua hoạt động nhượng quyền và M&A trước đó, như: Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Shri Restaurant & Lounge, Jumbo Seafood, Sushi Tei, Gloria Jean’s Coffees…
Danh tính “ông chủ” mới của Nova F&B và giá trị của thương vụ không được công bố. Tuy nhiên, phía nhà môi giới là VinaCapital tiết lộ, sau khi mua lại, đối tác Singapore đã thuê IN Hospitality quản lý và vận hành Nova F&B. VinaCapital cũng là cổ đông của IN Holdings (công ty mẹ của IN Hospitality). Đây là đơn vị sở hữu trung tâm hội nghị, tiệc cưới GEM Center và White Palace tại TP.HCM.
Bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc, Tổng giám đốc IN Hospitality trở thành người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Nova F&B. Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital, Nova F&B sẽ được đổi tên thành IN Dining.
Công ty cổ phần Nova F&B được thành lập năm 2015 với tên gọi ban đầu là Nova Foods, sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Mega Foods & Beverages. Tháng 8/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) chính thức giới thiệu Nova F&B - thương hiệu chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực, dịch vụ quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B tại các dự án do Novaland phát triển.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động M&A tại Việt Nam đã chậm lại so với tốc độ kỷ lục vào năm 2021. Tổng số thương vụ M&A trong năm 2022 giảm 3% so với năm 2021,
từ 142 thương vụ, còn 138 thương vụ. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ vẫn tăng nhẹ 6% so với năm 2021, đạt 5,7 tỷ USD (theo Mergermarket).
Trong khi đó, số lượng và giá trị giao dịch M&A toàn cầu trong năm 2022 lần lượt giảm 34% và 39% so với năm trước. Vì vậy, 2022 vẫn là một trong những năm khởi sắc nhất của thị trường M&A tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm.
Năm 2023, dự báo thị trường M&A ở Việt Nam sẽ rất sôi động, đặc biệt là trong các ngành then chốt như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, bán lẻ, hậu cần và năng lượng tái tạo.
Trước đó, Society Pass (SoPa) do ông Dennis Nguyễn sáng lập cũng mua lại Công ty TNHH Thương mại Không gian Mơ (Dream Space), nhà điều hành của Handycart, một công ty trực tuyến trong lĩnh vực dịch vụ giao hàng tạp hóa có trụ sở tại Hà Nội.
Theo đó, nền tảng Handycart sẽ được tích hợp vào ngành phân phối F&B của SoPa với nền tảng phần mềm dành cho người bán hiện có của SoPa là HOTTAB.
Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Handycart, ông Seo Jun Ho, cũng chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối Kinh doanh mới, quản lý cả Handycart và HOTTAB tại Việt Nam.
Được thành lập năm 2019, Handycart là ứng dụng giao hàng tạp hóa trực tuyến với đội ngũ giao hàng riêng, tập trung phục vụ thị trường nhà hàng Hàn Quốc và lĩnh vực ăn uống tại Hà Nội.
Ẩm thực Hàn Quốc và văn hóa đại chúng đang được đón nhận tại Việt Nam và không ngừng được thúc đẩy phát triển, trở thành một “làn sóng Hàn Quốc” tại nhiều địa phương.
Theo bà Ngô Thị Châm, Tổng giám đốc SoPa tại Việt Nam, sau thương vụ, SoPa quyết tăng độ phủ của thương hiệu lên 500 nhà hàng tại Hà Nội vào cuối năm 2022. Handycart sẽ tập trung hỗ trợ các nhà hàng F&B với các chương trình kết nối đặc biệt để chuyển đổi mô hình kinh doanh và thâm nhập sâu hơn vào thị trường trực tuyến.
Tập trung phát triển hoạt động tại các thị trường ưu tiên và tăng trưởng mạnh như Việt Nam, Indonesia, Philippines, SoPa đang tăng đầu tư M&A các công ty có nền tảng trực tuyến hoạt động trên 5 ngành dọc được kết nối trong các lĩnh vực như phong cách sống, F&B, du lịch, phần mềm thương mại và dữ liệu.
Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là mảnh đất màu mỡ trong tầm ngắm của các quỹ đầu tư nước ngoài. Các quỹ này sẵn sàng đổ vốn vào một số doanh nghiệp nội với mục đích phát triển, mở rộng thị trường bán lẻ trong các lĩnh vực như F&B, giải trí, giáo dục…
Gần đây, Tập đoàn KIDO cũng mua lại 25% cổ phần của Bánh bao Thọ Phát, với tham vọng trở thành tên tuổi dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam.
Trước khi “chốt” thương vụ, ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO đã tìm hiểu về công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát - doanh nghiệp sản xuất và phân phối bánh bao hàng đầu Việt Nam từ quý III/2022.
Sau đợt mua đầu tiên, KIDO dự kiến tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu Công ty Thọ Phát lên khoảng 70%. Dù không tiết lộ giá trị thương vụ, nhưng đại diện KIDO cho biết, đây là khoản đầu tư lớn. Tập đoàn cam kết đưa Thọ Phát mở rộng ra thị trường miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu sang các nước trong khu vực cũng như thế giới. KIDO dự kiến, năm nay, mảng bánh (tính gộp cả Công ty Thọ Phát) sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lãi sau thuế.
Trật tự mới được thiết lập
Hệ thống trà - cà phê Phúc Long Heritage như “hổ mọc thêm cánh” khi về dưới trướng Tập đoàn Masan. Trong năm 2022, với sự mở rộng nhanh chóng của các cửa hàng flagship, Phúc Long đã ghi nhận 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận.
Trước đó, tháng 5/2021, Masan đã chi 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) để sở hữu 20% cổ phần của Phúc Long. Chỉ sau một năm, định giá Phúc Long đã tăng gấp 6 lần và Masan phải chi thêm hơn 6.100 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu lên 85% và trở thành công ty mẹ của hệ thống này.
Giới đầu tư trong ngành F&B nhận định, thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long khởi đầu cho một giai đoạn mới của thị trường F&B trong nước. Theo đó, trật tự mới được thiết lập và sẽ có làn sóng gọi vốn trong năm 2023.
Thực tế, các thương hiệu ẩm thực giai đoạn đầu thường được các nhà đầu tư dành nhiều tâm huyết và chăm chút khá kỹ với mục tiêu tạo sức hút lớn cho thị trường. Tuy nhiên, với chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, cộng với những tác động của dịch bệnh trong thời gian qua, thì việc duy trì lâu dài định hướng trên sẽ dẫn tới kinh doanh khó có hiệu quả và sẽ bị cạnh tranh bởi các thương hiệu lớn.
Do đó, quyết định “về chung nhà” với một thương hiệu lớn cùng ngành được coi là “nước cờ” khôn ngoan của các thương hiệu nhỏ.
Thương vụ M&A sẽ tạo bước khởi đầu tốt cho các doanh nghiệp trong ngành F&B, nhất là trong bối cảnh nhiều thương hiệu trong nước còn tương đối yếu. Đây cũng là bước đi cần thiết để thiết lập trật tự thị trường F&B trong nước.
Ông Andy Ho nhận định, ngành F&B ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt từ làn sóng đầu tư nước ngoài. Dẫn chứng là, doanh số của phân khúc nhà hàng full-service (hình thức phục vụ tại bàn) năm 2022 tăng 12% so với năm 2021; còn phân khúc cà phê và quán bar tăng 40%.
Thị trường F&B đang tồn tại nhiều mô hình. Đó là những thương hiệu lớn được hậu thuẫn về tài chính bởi các tập đoàn lớn; mô hình giàu trải nghiệm của nhà đầu tư tư nhân; mô hình nhỏ lẻ kiểu truyền thống được công nghệ hóa từng bước và các thương hiệu nhỏ chọn cách nhượng quyền để đạt quy mô chuỗi (như Milano, Ông Bầu, Trà sữa...).
Điều này cũng cho thấy, sẽ xuất hiện làn sóng gọi vốn mới của các “tân binh” khởi nghiệp trong ngành F&B. Tuy nhiên, số lượng thương vụ dành cho các start-up không nhiều. Lý do là, chỉ những doanh nghiệp lớn mới tồn tại, phát triển và có khả năng tận dụng thời điểm này để thâu tóm các tên tuổi nhỏ, nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái của mình.
Theo chuyên gia, sau Covid-19, các cơ sở kinh doanh cần kết hợp công nghệ thông tin vào các hoạt động F&B. Không khó để nhận ra, doanh thu của các nền tảng số như Grab, ShopeeFood, Baemin... ngày càng tăng. Khách hàng đã quen và đang đòi hỏi các doanh nghiệp F&B chuyển đổi thêm cả kênh trực tuyến. Xu hướng số hóa này sẽ tiếp tục trong tương lai và mở ra rất nhiều cơ hội chưa được khai thác cho các doanh nghiệp.
Nhìn nhận một cách khách quan, lĩnh vực nhà hàng ở Việt Nam vẫn đi sau một bước về quản trị so với các nước trong khu vực. Một số ít doanh nghiệp hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế và đạt hiệu quả cao, còn phần lớn doanh nghiệp thường do gia đình quản lý dựa theo kinh nghiệm và chưa được đào tạo chính thức.
Bởi vậy, dù nỗ lực, các doanh nghiệp kiểu này thường gặp những rào cản về hiệu suất và tăng trưởng. Chỉ cần có sự thay đổi nhỏ về phương thức quản trị, hay rủi ro khách quan (như đại dịch Covid-19), là doanh nghiệp sẽ chịu tác động, thậm chí phải đóng cửa, sang nhượng, bán thương hiệu.
Giữa bối cảnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam và thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, các “ông lớn” với chiến lược kinh doanh bài bản, khả năng vận hành chuyên nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng ở nhiều mảng. Khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc được cho là lợi thế giúp các tên tuổi này tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế.
Điển hình là Masan Group, loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực F&B cùng hiệu quả kinh doanh đã giúp Masan huy động thành công khoản vay hợp vốn có tổng trị giá 600 triệu USD, lãi suất cạnh tranh 6,5%/năm, từ gần 40 tổ chức tài chính. Năm 2021, trong số 8,8 tỷ USD mà các “ông lớn” thế giới rót vào doanh nghiệp Việt Nam, riêng Masan đã thu hút 2,3 tỷ USD.
Dữ liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, tăng trưởng doanh thu của các công ty F&B trong năm nay sẽ không cao, khi xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn. Do giá cả nguyên vật liệu có xu hướng điều chỉnh, điểm sáng duy nhất cho ngành có thể là mức biên lợi nhuận được cải thiện.
Trong đó, các yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp gồm: sức tiêu thụ mạnh hơn kỳ vọng, giá đầu vào thấp hơn dự kiến và các hoạt động như IPO, thoái vốn hoặc M&A. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt, như nhu cầu yếu hơn kỳ vọng, giá đầu vào không ổn định; môi trường vĩ mô tác động đến thị trường vốn và gây ra sự chậm trễ trong việc thực hiện các kế hoạch của doanh nghiệp....