- Sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP có cứu nổi thị trường trái phiếu?
- Giải quyết nỗi lo cạn tiền doanh nghiệp: Quan điểm không đúng về chuyện “cứu bất động sản”
- Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 1: Doanh nghiệp suy kiệt nguồn vốn
- Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 2: Thị trường bấu víu từng tia sáng le lói
PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích chính sách tài chính. |
Thưa ông, đang có nhiều đề nghị từ doanh nghiệp tới Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ tài chính, về việc hỗ trợ ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong tình trạng các kênh huy động vốn đang ách tắc, từ ngân hàng đến thị trường chứng khoán...
Trước hết, phải nói rõ, phát triển thị trường trái phiếu là cần thiết. Cho đến thời điểm này, trong tổng nhu cầu vốn của nền kinh tế, nguồn vốn qua thị trường trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao, nên cần tiếp tục phát triển thị trường này. Vốn của nền kinh tế không thể chỉ dựa vào ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát sinh nhiều vấn đề. Nguyên nhân từ nhiều bên, từ việc quản lý phát hành trái phiếu chưa chuẩn, cách thức bán hàng chưa chuyên nghiệp, nhà đầu tư cũng chưa chuyên nghiệp... Nếu không có việc bán trái phiếu doanh nghiệp ở các ngân hàng, với sự tham gia của các nhân viên ngân hàng, thì có thể nhiều nhà đầu tư không chuyên không thể tiếp cận nhiều loại trái phiếu, với những thông tin không đầy đủ, dẫn đến các quyết định rủi ro lớn và đang mất lòng tin vào trái phiếu doanh nghiệp.
Việc mất lòng tin vào thị trường trái phiếu, theo tôi, còn có nguyên nhân từ truyền thông. Khi truyền thông không rõ, nhiều người không hiểu bản chất của trái phiếu là hoạt động vay nợ trực tiếp giữa doanh nghiệp và người có vốn theo các hợp đồng có kỳ hạn. Hoạt động này dựa trên lòng tin, nên khi không còn lòng tin, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Biểu hiện rõ nhất là nhiều trái chủ muốn đòi lại tiền dù chưa đến hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp. Trong trường hợp nhiều người cùng đòi, thì chắc chắn ảnh hưởng đến rủi ro về thanh khoản.
Nhưng cũng phải nói rõ, bên cạnh những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang có vấn đề, cần phải được xử lý, thì nhiều doanh nghiệp phát hành đang hoạt động tốt, hoàn toàn đủ khả năng trả nợ khi đến hạn... Với doanh nghiệp đang làm ăn bình thường, người mua trái phiếu không nên vội vàng làm gì.
Nhưng thời điểm này, chính vì lòng tin với thị trường đang bấp bênh, nên không chỉ thị trường trái phiếu, mà cả thị trường cổ phiếu cũng rơi vào tình thế rủi ro cao. Dòng tiền cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lại càng mất hút. Lúc này, không thể không có vai trò của Nhà nước để lấy lại lòng tin, thưa ông?
Để có lòng tin, thì nguyên tắc của thị trường là đến hạn phải trả. Các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn phải trả nợ đúng hạn. Với những doanh nghiệp không có dòng tiền, trước có thể vay đảo nợ, nhưng ở thời điểm khó khăn này thì phải bán tài sản để trả nợ. Chúng ta đừng kỳ vọng Nhà nước cứu và cũng đừng gây sức ép Nhà nước phải can thiệp mua lại.
Truyền thông cũng cần làm rõ nguyên tắc của thị trường trái phiếu, lãi suất cao luôn đi cùng với rủi ro cao. Nhà nước chỉ tham gia với những doanh nghiệp có vấn đề, nhưng không phải là để mua lại trái phiếu. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách xử lý nhanh tiến trình xử lý tài sản. Ví dụ, doanh nghiệp có tài sản, thì phải bán tài sản để thanh toán các trái phiếu đến hạn thanh toán. Với các trái phiếu chưa đến hạn, thì trái chủ phải chấp nhận lỗ nếu muốn phá vỡ hợp đồng, lấy lại tiền sớm hơn, đó là thị trường.
Với các trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến vụ việc Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát, theo tôi, trong khả năng tốt nhất có thể, Nhà nước cần thúc đẩy quá trình xử lý nhanh nhất để doanh nghiệp có thể trả nợ được, như tăng tốc thời gian đánh giá, xem xét, kiểm kê tài sản, thực hiện đấu giá tài sản, nếu cần, để trả nợ.
Với các doanh nghiệp liên đới tới các tập đoàn này, có những doanh nghiệp vẫn làm ăn bình thường, có dòng tiền trả lãi, thì cần tách bạch, làm rõ để các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn, có dòng tiền trả lãi theo các kỳ hạn của hợp đồng.
Thưa ông, các phần việc đó cần được thông tin công khai, minh bạch, rõ ràng đến từng nhà đầu tư, thì mới ổn định tâm lý thị trường?
Đúng vậy, việc công khai, minh bạch các bước xử lý trong thời điểm này là vô cùng quan trọng để ổn định tâm lý và cũng để các doanh nghiệp có kế hoạch, giải pháp cụ thể cho chính mình. Nhưng để phát triển thị trường trái phiếu, về dài hạn, cần làm rất nhiều việc, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện chuẩn mực kế toán, quản trị doanh nghiệp, vai trò giám sát của Nhà nước với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp...
Thị trường trái phiếu là thị trường của nhà đầu tư chuyên nghiệp có kỹ năng, có thông tin, của các nhà phát hành chuyên nghiệp. Một doanh nghiệp không công khai, minh bạch thông tin, không được tín nhiệm, sẽ không có chỗ đứng trên thị trường này.