Các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã tạo ra hơn 8,5 triệu việc làm. Ảnh: Đức Thanh |
Doanh nghiệp Việt trong ASEAN
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc phát triển khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong gần 3 thập kỷ qua.
Từ con số không, Việt Nam đã có tới 1,29 triệu doanh nghiệp đăng ký chính thức và hơn 5,1 triệu cơ sở kinh doanh và hộ kinh doanh.
Trong ASEAN, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Indonesia về số lượng doanh nghiệp đăng ký. Tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của Việt Nam đạt 14,7 và tiệm cận dần mức trung bình là 16,5 doanh nghiệp trên 1.000 dân của ASEAN.
Các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam tạo ra hơn 8,5 triệu việc làm. Con số này cũng chỉ thấp hơn tại Indonesia với khoảng 37,7 triệu việc làm, cao hơn Thái Lan với 6,7 triệu việc làm, Malaysia 6,9 triệu việc làm và Philippines là 4,3 triệu việc làm. Các cơ sở kinh doanh và hộ kinh doanh tại Việt Nam cũng tạo ra số lượng việc làm cao hơn hầu hết các nước ASEAN (ngoại trừ Indonesia).
Tốc độ phát triển về số lượng doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang được nhiều nước ASEAN theo dõi với con mắt nể phục. Chỉ riêng trong 9 tháng năm 2019, cả nước có gần 102.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Con số này chỉ là 12.500 tại Myanmar hay 31.400 tại Malaysia cho 9 tháng đầu năm 2019.
Khoảng cách về số lượng doanh nghiệp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã được thu hẹp. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam dự kiến vượt nhiều nước ASEAN và mức trung bình về tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân trong thời gian không xa.
Số lượng không là tất cả
Phân tích cẩn trọng một vài con số khác về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp từ các nước ASEAN để thấy những hàm ý quan trọng về trọng tâm chính sách phát triển kinh tế và phát triển doanh nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trong khi chúng ta say mê với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, với số vốn khủng được đưa vào sản xuất, kinh doanh, thì các quốc gia ASEAN khác, đặc biệt các nước ASEAN-4 đã mạnh mẽ và quyết liệt với các chương trình và mục tiêu khác biệt. Họ chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện năng suất, năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao tính quốc tế hóa của khu vực doanh nghiệp.
So với các quốc gia ASEAN khác, khả năng kết nối của doanh nghiệp trong nước của Việt Nam với chuỗi cung ứng thấp hơn rất nhiều. Theo khảo sát của JETRO, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp FDI của Nhật tại ASEAN khác như Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).
Cần nhấn mạnh, trong số các doanh nghiệp cung cấp cho công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% là công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam, chỉ 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm mua tại địa phương được cung cấp bởi doanh nghiệp Việt.
Với các chính sách và hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp của mình, chỉ trong thời gian ngắn, Indonesia đã trình làng hàng loạt doanh nghiệp kỳ lân công nghệ với số vốn hóa vượt 1 tỷ USD, điển hình là Go-Jek và Traveloka.
Đất nước nhỏ bé Singapore cũng có Grab đang làm mưa làm gió tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và nhiều doanh nghiệp nhỏ vươn lên toàn cầu với các mô hình kinh doanh tiên tiến như fintech, neobank.
Nhiều doanh nghiệp Philippines như Jollibee cũng đã phủ sóng hoạt động của mình trên nhiều nước ASEAN.
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa của Thái Lan trong thời gian qua đã chứng tỏ được năng lực cạnh tranh vượt trội của mình khi mở rộng đầu tư (cả hình thức gián tiếp hay trực tiếp), tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ về quy mô so với mức trung bình tại các nước ASEAN. Quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết, đại diện điển hình về những công ty tư nhân tốt nhất của Việt Nam, chỉ đạt mức khoảng 190 triệu USD. Trong khi đó, con số này là 810 triệu USD tại Indonesia, 840 triệu USD tại Thái Lan, 1,16 tỷ USD tại Singapore và 1,2 tỷ USD tại Philippines.
Quy mô nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam khiến cho các hoạt động đầu tư về nghiên cứu phát triển, nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất gặp nhiều khó khăn. Trình độ về quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam cũng thua xa so với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN.
Theo kết quả đánh giá về Năng lực quản trị công ty khu vực ASEAN năm 2017 - 2018, điểm quản trị công ty trung bình của doanh nghiệp Việt đạt 41,3 điểm so với điểm trung bình trong toàn khu vực ASEAN là 71,01 điểm (trên 130 điểm).
Đặt trọng tâm chính sách vào các mục tiêu về chất lượng
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc điều chỉnh trọng tâm chính sách. Chính sách phát triển doanh nghiệp của Việt Nam cần đặt trọng tâm nhiều hơn tới chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hơn là chỉ tập trung vào số lượng doanh nghiệp thành lập hay số vốn đăng ký.
Bối cảnh phát triển mới đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều công ty quy mô lớn hơn, có trình độ công nghệ, tri thức cao hơn, được quản trị tốt hơn, với khả năng vượt trội về năng lực sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Cùng với các chính sách nhằm hỗ trợ mục tiêu nhấn mạnh về chất lượng tăng trưởng, giấc mơ về những doanh nghiệp kỳ lân của Việt Nam và về những doanh nghiệp đa quốc gia có xuất thân từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hẳn không phải là quá xa vời.
Ý kiến - Nhận định
Doanh nghiệp tư nhân tự tin tham gia vào các dự án quy mô lớn, phức tạp.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC
Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mở đường cho nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá hơn, cởi mở hơn để giúp kinh tế tư nhân có thêm động lực phát triển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp tư nhân có cơ hội và điều kiện để tham gia vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn tự tin có thể tham gia vào những dự án quy mô, phức tạp, góp phần phát triển đất nước.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI vẫn còn. Khi doanh nghiệp tư nhân làm ăn thua lỗ, sẽ lập tức phá sản, trong khi doanh nghiệp nhà nước sẽ được tái cơ cấu, giãn nợ. Doanh nghiệp tư nhân khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai… Các vấn đề này cản trở cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Tiếp tục có chính sách để phát triển khu vực kinh tế tư nhân bền vững hơn.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp tư nhân lớn, đã dần thể hiện được vai trò của mình và bứt phá phát triển. Khu vực tư nhân đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô...
Về dài hạn, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách để phát triển khu vực kinh tế tư nhân bền vững hơn. Vì thực tế, hoạt động của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Hệ thống quy phạm pháp luật chồng chéo, còn thiếu minh bạch, thời gian thực hiện thủ tục còn dài. Để triển khai 1 dự án có sử dụng đất, có xây dựng, doanh nghiệp có khi phải mất tới 5 năm, với chi phí rất lớn, chưa nói đến những chi phí không chính thức.
Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển, phải có một môi trường kinh doanh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực của xã hội một cách minh bạch, tránh nhóm lợi ích. Nếu tiếp tục để các mối quan hệ thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh tồn tại, chúng sẽ cản trở cạnh tranh lành mạnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập.
Tìm ra và hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng đi xa.
- TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Đây là một mục tiêu cần cố gắng rất nhiều, bởi tuy hàng năm chúng ta có số lượng khá lớn doanh nghiệp thành lập mới, song cũng rất nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.
Trách nhiệm của Nhà nước là nâng đỡ những doanh nghiệp có tiềm năng lớn mạnh, hoạt động đúng pháp luật, có trách nhiệm với xã hội. Cho đến nay, Nhà nước đã làm rất nhiều việc để hỗ trợ, như lập quỹ để hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mục tiêu tiếp theo là trong số những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, tìm ra được và hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng đi xa, đủ năng lực cạnh tranh vươn tầm quốc tế, hình thành những doanh nghiệp, những sản phẩm mang tính biểu tượng kinh tế quốc gia. Đây là một bước đi đúng đắn và phù hợp với xu thế quốc tế.
Để một quốc gia thịnh vượng, không có cách nào khác là chúng ta phải cổ vũ và hình thành ra một đội ngũ doanh nhân Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ và năng lực.