Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ nước giải khát có đường tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng.
Theo số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít vào năm 2023, tức là tăng 420%. Tiêu thụ bình quân đầu người cũng có sự gia tăng mạnh mẽ, từ 18 lít/người vào năm 2009 lên 66 lít/người vào năm 2023 (tăng 350%).
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). |
Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, hiện nay, người Việt Nam tiêu thụ trung bình khoảng 46,5g đường tự do/người/ngày, gần đạt mức giới hạn tối đa 50g/người/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mức tiêu thụ này cao gần gấp đôi mức có lợi cho sức khỏe, là dưới 25g/người/ngày.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ rằng, y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đầu tư vào y tế dự phòng không chỉ giúp giải quyết các vấn đề về y tế mà còn mang lại lợi ích kinh tế - xã hội và phát triển nguồn lực trong tương lai.
Theo bà Thủy, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì, và các rối loạn chuyển hóa ở cả người trưởng thành và trẻ em.
Tình trạng này dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, và tử vong, cùng với các bệnh lý về xương, răng miệng, thận, tiết niệu và bệnh lý đường tiêu hóa.
Bà Thủy cho biết, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là một trong những giải pháp can thiệp quan trọng, được WHO khuyến nghị nhằm giảm mức tiêu thụ và hạn chế tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe cộng đồng.
Việc áp thuế sẽ tác động làm tăng giá sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các đồ uống lành mạnh hơn. Điều này giúp giảm nguy cơ béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt là bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cung cấp thông tin về thực trạng sử dụng và tác hại của đồ uống có đường. Bộ Tài chính đã đưa đồ uống có đường vào diện đánh thuế trong dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tuy nhiên, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt biệt đối với đồ uống có đường lần đầu tiên được đưa ra trong dự thảo Luật này, do đó, vẫn còn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu từ ngành công nghiệp đồ uống.
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế là 10% để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại nước giải khát có lượng đường thấp, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của đồ uống có đường.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đề nghị mức thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường, hoặc 30% sau khi tăng dần lên 40% theo lộ trình.
Ngoài ra, mức thuế có thể được chia theo hàm lượng đường để tạo ra mức thuế khác nhau, tương tự như các quốc gia khác đang áp dụng.
Tại Tọa đàm, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, đã chia sẻ rằng các bệnh liên quan đến việc sử dụng thường xuyên đồ uống có đường như sâu răng, tiểu đường tuýp 2, thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, bệnh thận, gan nhiễm mỡ không do rượu, và gút đang gia tăng nhanh chóng.
Bác sỹ Tuấn Lâm cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ nước ngọt và hiện nay là thời điểm thích hợp để áp thuế đối với đồ uống có đường.
Bác sỹ Tuấn Lâm đề xuất, Việt Nam nên áp dụng lộ trình tăng thuế hàng năm để thuế đối với đồ uống có đường đạt mức 40% giá bán của nhà sản xuất vào năm 2030, theo khuyến nghị của WHO. Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Đồng thời, nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường thông qua các biện pháp như dán nhãn mặt trước, cấm quảng cáo...".
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh khuyến nghị của WHO về việc giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt cuộc đời. Cụ thể, WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em, lượng đường tự do ăn vào không nên vượt quá 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường.
Tốt nhất, người tiêu dùng nên giảm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (tương đương 6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào, điều này sẽ mang lại những lợi ích bổ sung cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo của WHO, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ đồ uống có đường cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng phải là 40%.
Giải pháp này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.
Còn nghiên cứu được tiến hành bởi Trường Đại học Y tế Công cộng cũng ước tính mức thuế suất 40% sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và giảm được 2% tỷ lệ thừa cân, 1,5% tỷ lệ béo phì, phòng tránh được hơn 81.462 ca đái tháo đường tuýp 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng) chi phí y tế.
Theo các chuyên gia, thuế là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo các nước áp dụng.
Việc áp thuế trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích của các chủ thể nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhưng cần đặc biệt ưu tiên mục tiêu bảo vệ sức khỏe, phát triển bền vững của đất nước, không vì lợi nhuận đánh đổi sức khỏe nhân dân.