Doanh nghiệp
Để trở thành kỳ lân với “nền kinh tế không ngủ”
Hồng Phúc - 25/04/2019 08:20
Kinh tế số gắn với sự phát triển của Internet được ví như “nền kinh tế không ngủ”, là cái nôi của nhiều start-up kỳ lân, siêu kỳ lân trên thế giới. Để trở thành kỳ lân trong lĩnh vực này, bên cạnh việc phát triển sản phẩm, công nghệ, xây dựng đội ngũ, các start-up Việt cần có tầm nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Để trở thành kỳ lân, các start-up Việt cần có tầm nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Tiềm năng từ kinh tế số

Kỳ lân (unicorn) là biệt danh để chỉ các công ty tư nhân có định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Theo công bố mới nhất của CB Insight (Mỹ), tính đến tháng 1/2019, có hơn 300 kỳ lân trên khắp thế giới. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của các siêu kỳ lân (decacorn) - với định giá hơn 10 tỷ USD, trước khi có khả năng trở thành “haocorn” với định giá trên 100 tỷ USD.

Trong hàng loạt điểm khác biệt, có ít nhất 3 điểm tương đồng trong danh sách 18 siêu kỳ lân mà CB Insight vừa đưa ra. Đó là: hoạt động kinh doanh gắn liền với công nghệ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech…; phát triển tại các thị trường có quy mô lớn và có đội ngũ vận hành “sừng sỏ”.

Đứng đầu danh sách siêu kỳ lân với định giá 75 tỷ USD là Toutiao (Bytedance) - nền tảng cung cấp nội dung số được thành lập tháng 7/2017 tại Trung Quốc - thị trường lớn với gần 1,4 tỷ dân (năm 2017).

“Các công ty siêu kỳ lân này đều được thành lập sau năm 2011. Nghĩa là, chỉ trong 8 năm qua, đã có 18 start-up đạt được bước phát triển thần kỳ”, Lê Diệp Kiều Trang, đồng sáng lập Misfit (start-up được bán với giá 260 triệu USD cho Fossil Group năm 2015), tân Tổng giám đốc Go-Viet, chia sẻ.

Từng là người đại diện Facebook tại Việt Nam, bà Kiều Trang đánh giá cao tiềm năng phát triển của nền kinh tế số gắn với sự phát triển của Internet, lãnh địa mà các start-up đang gia nhập.

Quy mô nền kinh tế “không ngủ” tại Đông Nam Á năm 2018 đạt 72 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2017 và dự kiến đạt 240 tỷ USD vào năm 2025 (theo Google và Temasek). Kết quả này đến từ số lượng người dùng điện thoại di động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tăng thêm khoảng 90 triệu, cán mốc 350 triệu người dùng (từ năm 2015 đến cuối năm 2018).

Trong báo cáo của Google và Temasek, Việt Nam và Indonesia được nhắc đến với các điểm nổi bật thú vị. Cụ thể, với nền kinh tế Internet ước đạt khoảng 9 tỷ USD năm 2018 (tăng 35% trong giai đoạn 2015 - 2018) Việt Nam được so sánh với hình ảnh “con rồng chưa được tháo khỏi xiềng xích”. Theo số liệu của SEA (tập đoàn đến từ Singapore, sở hữu Shopee), đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam có quy mô khá lớn với 33 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực (sau Indonesia và Thái Lan); tốc độ tăng trưởng 25%, thấp hơn 3% so với Indonesia - quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực.

Trong khi đó, Indonesia đang dẫn đầu về thương mại điện tử ở Đông Nam Á, với quy mô đạt khoảng 12 tỷ USD vào năm 2018. Đất nước có hơn 260 triệu dân này cũng là quốc gia thứ 2 tại Đông Nam Á (cùng với Singapore) xuất hiện siêu kỳ lân Go-Jek, với định giá hơn 10 tỷ USD.

Bước chân ra khỏi thị trường hơn 97 triệu dân

“Công nghệ giúp kỳ lân xuất hiện nhiều hơn thời gian trước. Nếu doanh nghiệp có ý tưởng tốt được thực thi, phát triển trong thị trường đủ lớn, thì cơ hội sẽ đến dễ dàng hơn; còn nếu chỉ cung cấp cho hơn 97 triệu dân Việt Nam, thì khó có thể trở thành kỳ lân”, ông Lâm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chia sẻ và nhấn mạnh, các start-up Việt cần liên tục va chạm để nhận ra, đâu là ý tưởng có thể mang cơ hội lớn.

Đồng quan điểm, bà Kiều Trang khẳng định, để hút được nguồn vốn từ nhà đầu tư, start-up phải có khả năng cạnh tranh khu vực, bởi thị trường 700 triệu dân Đông Nam Á mới đáng để các nhà đầu tư “đặt cược”.

Bà Kiều Trang cho rằng, bài toán mà công ty nào cũng phải giải quyết trước khi trở thành kỳ lân là tăng quy mô, đi cùng với khả năng cung ứng trải nghiệm, vì 700 triệu dân trong thị trường mục tiêu (Đông Nam Á) không thể chờ đợi đến lượt log-in khi nền tảng hay hệ thống công nghệ của start-up liên tục bị trục trặc.

Bên cạnh sức mạnh về công nghệ, năng lực của đội ngũ quản trị, vận hành cũng rất quan trọng. Đặt câu hỏi: “Liệu đội ngũ nòng cốt của start-up đã đủ khả năng quản lý hàng ngàn nhân viên, mà nơi làm việc của họ đã vượt khỏi biên giới một quốc gia như Go-Jek hay Grab chưa”, bà Kiều Trang nhấn mạnh, đó là bài toán đáng giá hàng tỷ USD và start-up chỉ có thể tìm ra lời giải đáp khi có khát vọng tạo ra dấu ấn cho doanh nghiệp Việt.

Theo đánh giá của lãnh đạo một công ty truyền thông, hạn chế của một số start-up Việt Nam đến từ năng lực thực thi, tốc độ phát triển và cải thiện sản phẩm còn chậm. “Việc coi trọng khách hàng rất quan trọng. Bạn gặp một chuyến xe Grab tệ, đánh giá 3 sao và ghi ra các lý do, sẽ có người điều tra, xử lý và gửi email xin lỗi. Trong khi đó, với một ứng dụng nhắn tin rất nổi tiếng ở Việt Nam (đề nghị không nêu tên ứng dụng), thì tìm hoài cũng không thấy chỗ để nêu ý kiến”, đại diện này chia sẻ.

Vì vậy, start-up nên lắng nghe và thực hiện những lời đề nghị từ khách hàng và thị trường. “Các doanh nghiệp như chúng tôi đang áp dụng công nghệ vào quản trị, đi cùng với nhu cầu quản lý khách hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng… trên hệ thống thương mại điện tử. Trong chuỗi công việc tương tác với khách hàng, doanh nghiệp cần những ứng dụng để đáp ứng và đó cũng là cách để start-up thêm khả năng xây dựng ý tưởng và tồn tại”, ông Lâm Ngọc Minh gợi ý.

Tin liên quan
Tin khác