Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện chính sách đặc thù chống Covid-19 đến hết năm 2023, để duy trì thành quả chống dịch và phòng tình huống phức tạp.
Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện chính sách đặc thù chống Covid-19 đến hết năm 2023, để duy trì thành quả chống dịch và phòng tình huống phức tạp. |
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị cho phép cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục theo yêu cầu thực tiễn.
Việc duy trì các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát và không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công tác khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.
Bộ Y tế cho biết theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì chi phí điều trị bệnh nhóm A do Ngân sách Nhà nước bảo đảm. Trên thực tế nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác trong quá trình điều trị.
Đề nghị tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.
Theo Bộ Y tế cho biết hiện nay, pháp luật chưa có quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đây là biện pháp nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian chống dịch vừa qua, cần tiếp tục thực hiện để có thêm thực tiễn việc hoàn thiện chính sách mới trong dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị kéo dài thời gian gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc khi cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30 cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 có hiệu lực.
Từ năm 2023, hơn 10.300 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành; 3.800 thuốc (cấp năm 2018, có hiệu lực 5 năm và cấp năm 2019 có hiệu lực 3 năm) sẽ hết hạn. Vì vậy, số lượng hồ sơ gia hạn thuốc năm 2023 rất lớn (14.000 hồ sơ). Trong khi đó, nhân lực thẩm định thiếu trầm trọng; quy trình gia hạn cần nhiều thời gian.
Việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Chính phủ sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc, do những thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước khác.
Nếu không gia hạn kịp thời, nhiều thuốc không được lưu hành trên thị trường, cung cấp cho các bệnh viện, nhu cầu người dân, trong đó có nhiều thuốc thiết yếu, thuốc hiếm.
Doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm. Bệnh viện không được đảm bảo thuốc sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, như ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên. Người bệnh lúc đó sẽ không dùng dịch vụ tại Việt Nam mà sang nước khác điều trị, dẫn đến mất nguồn thu.
Về lâu dài, Chính phủ cho rằng cần có cơ chế tự động gia hạn với thuốc đã được cấp giấy phép đăng ký lưu hành. Nội dung này đã được đề xuất trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.
Về dịch Covid-19 hiện trên thế giới, số ca mắc Covid-19 tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 7 ngày gần đây toàn thế giới ghi nhận hơn 3,1 triệu trường hợp mắc và hơn 11 nghìn trường hợp tử vong.
Cả số mắc và số tử vong đều giảm ở tất cả các khu vực so với tuần trước đó (tương ứng giảm 28% và 22%). Một số quốc gia ghi nhận số mắc cao như: Nhật Bản (537.181), Hàn Quốc (435.695), Mỹ (430.048).
Hiện nay, Omicron vẫn là biến thể thống trị trên toàn thế giới, chiếm 99,2% các mẫu giải trình tự được báo cáo cho GISAID. Biến thể phụ Omicron BA.5 và các dòng con của nó tiếp tục chiếm ưu thế với sự gia tăng tỷ lệ trong số mẫu được giải trình tự gen trong tuần (chiếm 90%).
Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.74, BA.2.12.1 trong cộng đồng, số mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Tại Hà Nội, biến thể Omicron vẫn là biến thể chiếm ưu thế. Hiện nó đã được phát hiện tại 30/30 quận huyện với 382/404 mẫu (94,5%) nhiễm biến thể Omicron. Còn lại 22/404 mẫu (5,5%) nhiễm biến thể Delta.
Kết quả giải trình tự gen do Bệnh viện Bạch Mai thực hiện trong tháng 8 ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ các mẫu nhiễm chủng BA.5 so với tháng 7 (tăng từ 20,7% lên 58,1%) và ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4. Đến nay BA.5 và các dòng con của nó đã ghi nhận tại 18/30 quận, huyện.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, trong nước, dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường.
Thứ nhất, virus biến đổi, xuất hiện các biến thể mới. Thứ hai, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian.
Thứ ba, các dịch bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa có xu hướng gia tăng dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Thứ tư, có tâm lý lơ là, chủ quan ở một bộ phận người dân và chính quyền một số địa phương. Thứ năm, tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Vì thế, Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc-xin theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề ra.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc-xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo ngại khi số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm. Một số người xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo.
"Tại một số bệnh viện tuyến trung ương bắt đầu có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. Đây là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại", PGS. Trần Đắc Phu nói.
Theo ông, thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Với Covid-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại. Việc tiêm vắc-xin cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…
Chuyên gia cũng đề xuất, những trường hợp trước chống chỉ định mà nay không chống chỉ định nữa thì cần rà soát để tiêm. Trẻ em cũng cần tiêm vắc-xin vì nếu mắc sẽ lây cho người già, người có bệnh nền, chưa kể nguy cơ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).