Một góc bến du thuyền quốc tế Ana Marina (Ảnh: HẢI THANH) |
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả rà soát loại hình du lịch bằng du thuyền tại Việt Nam.
Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải cho biệt là hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật Đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014; Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải về quản lý hoạt động hàng hải và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa đều chưa có quy định cụ thể về du thuyền.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền (QCVN 81: 2014/BGTVT và Sửa đổi 1: 2017 QCVN81: 2014/BGTVT) có định nghĩa về du thuyền, cụ thể: “Tàu vui chơi, giải trí là bất kỳ dạng tàu nào không được sử dụng vào mục đích thương mại và dự định chỉ sử dụng để phục vụ giải trí.” “Du thuyền là tàu vui chơi giải trí, có boong và tự hành ngoại trừ tàu sử dụng bơi chèo, dự định để di chuyển trên mặt nước với người ở trên và có không gian kín đủ cho toàn bộ số người trên tàu được chứng nhận chở.”
Như vậy du thuyền là loại không được sử dụng vào mục đích thương mại và dự định chỉ sử dụng để phục vụ giải trí. Trong khi đó, các quy định về quản lý không có quy định riêng cho loại hình du thuyền không tham gia thương mại, dẫn đến nhiều quy định đối với loại hình du thuyền bị bất cập trong quản lý do được áp dụng như các tàu thương mại.
Hiện tại, du thuyền có thể đăng ký theo quy định là tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa và chịu sự quản lý của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở GTVT tương ứng với hình thức đăng ký.
Theo thống kê, cả nước chỉ có 3 du thuyền đăng ký gồm: Du thuyền Hòa Bình Carrara của Công ty TNHH MTV Du lịch xanh Phú Quốc; Du thuyền My Little Princess của Công ty cổ phần Hàng hải Dầu khí Hải Âu; Du thuyền Sunhine của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại dịch vụ Đại Hồng Phát.
Bên cạnh đó, tại khu vực Nha Trang đang có 8 phương tiện thủy nội địa mang cấp đăng kiểm VR-SB có hình dáng, kết cấu thân tàu giống với hình dáng, kết cấu của du thuyền.
Các phương tiện này được đăng ký là phương tiện tàu khách, tàu cao tốc chở khách, tàu cao tốc chở người hoặc tàu chở người và đăng ký hoạt động vận tải hành khách du lịch tham quan vịnh Nha Trang. Số lượng du thuyền đang hoạt động ở Đồng Nai 5 chiếc.
Các du thuyền này đang neo đậu tại các bến khách thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển tại khu vực hàng hải sông Đồng Nai và đã được Sở GTVT địa phương cấp phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Về bến cảng du thuyền hiện mới chỉ có Bến cảng công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina do Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang đầu tư, khai thác và được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung cầu cảng B thuộc Bến cảng công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, loại hình du lịch bằng du thuyền tại Việt Nam đã hình thành và phát triển trong thời gian qua và trong tương lai sẽ phát triển mạnh do nhu cầu giải trí trên biển ngày càng lớn. Để thúc đẩy phát triển hoạt động của du thuyền, tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho loại hình hình du thuyền hoạt động, việc nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật về du thuyền là rất cần thiết.
“Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu xây dựng Đề án quản lý du thuyền trong năm 2024”, báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ.