Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, Bộ này đề xuất giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay (75%) và bổ sung thêm mức thuế tuyệt đối.
Với 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cả 2 phương án đều thực hiện hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp, bao gồm việc tăng đều đặn về mức thuế tuyệt đối để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá theo thời gian.
"Phương án 2 là vượt trội hơn vì nó phù hợp hơn với thông lệ tốt nhất toàn cầu về việc thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp nên dựa nhiều hơn vào thuế suất tuyệt đối”, bà Hải nhấn mạnh.
Theo Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, phương án 2 sẽ làm giảm số lượng người hút thuốc ngay từ những năm đầu giai đoạn 2026-2030, đem lại lợi ích lớn hơn về mặt phòng ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, phương án này vẫn có điểm hạn chế là mức tăng giá bán lẻ các năm sau 2026 đó chỉ đạt 4-5%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng, chưa đủ mạnh để duy trì ổn định tác động giảm sức mua.
Ảnh minh họa. |
Với cả 2 phương án này, mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 là 10.000 đồng/bao, mới chiếm tỷ trọng 59,38% giá bán lẻ.
Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao (20 điếu/1 bao), tương đương 65% giá bán lẻ và lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 như sau: Từ năm 2026 là 5.000 đồng/bao; từ năm 2027 là 7.500 đồng/bao; từ năm 2028 với mức 10.000 đồng/bao; từ năm 2029 là 12.500 đồng/bao và từ năm 2030 sẽ là 15.000 đồng/bao
Về ưu điểm của phương án do WHO và Bộ Y tế đề xuất, theo bà Hải sẽ giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức tương đương 65%, gần đạt khuyến nghị của WHO.
Đồng thời đảm bảo tăng cao ngay từ năm đầu (2026) giống như phương án 2 của Bộ Tài chình, đồng thời vẫn duy trì mức tăng giá bán lẻ khoảng 8%/năm trong suốt giai đoạn 2026-2030, có tác động thực sự tới việc giảm sức mua; giúp đạt mục tiêu quốc gia, nhờ đó giảm nhiều hơn số người hút thuốc và chi phí bệnh tật, vừa huy động thêm được ngân sách phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Nói về tác hại thuốc lá, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8% (theo nghiên cứu Bệnh viện K).
25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm, nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Ngoài ra, hiện số tiền chi cho thuốc là là khoảng 49.000 tỷ đồng/năm (Ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
Còn về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, theo ông Khoa, tình trạng này đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh chóng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023.
Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này cũng tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020
Ở người trên 15 tuổi: Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỷ lệ là 7,3%. Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%. Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được đề cập và truyền thông rộng rãi rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có những ca bệnh điển hình đã được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin.
Vào năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Thời gian sử dụng, sử dụng lần đầu tiên: 81 người và đã từng dùng một thời gian: 1.143 người.
Thông tin thêm về tác hại của thuốc lá điện tử, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau, đặc biệt ung thư (điển hình là K phổi, 96,8% người K phổi hút thuốc lá);
Các bệnh tim mạch (đặc biệt bệnh tim, mạch vành, mạch não; các bệnh hô hấp (đặc biệt là viêm đường hô hấp và bệnh phổi tắc ngẽn mãn tính): 1,1 triệu người (năm 2009); ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và sinh dục ở cả 2 giới. Mỗi năm khoảng 70.000 người Việt chết vì các bệnh do thuốc lá.