Tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 3 để thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân sau bão và rút kinh nghiệm về các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo thống kê của Cục Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng), đến 10h sáng 8/9, bão Yagi (bão số 3) đã làm 14 người chết, 167 người bị thương (Quảng Ninh 4, Hà Nội 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1, Hòa Bình 4, Quân khu 3: 1, bị thương 167 người).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân. Đặc biệt, sáng 8/9, tại xóm Chẩm, xã Tân Minh huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội.
Về thiệt hại nông nghiệp, hiện có 121.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình 76.345 ha; Hải Phòng 6.750ha; Hải Dương 11.200 ha; Hà Nội 6.218 ha; Nam Định 2.800 ha; Hưng Yên 11.923 ha; Hà Nam 7.418 ha; Bắc Ninh 8.977 ha...); 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 1.000 ha; Thái Bình 1.385 ha, Hưng Yên 1.818 ha...); trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Trước những thiệt hại nặng nề do bão Yagi gây ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả được thành lập để chỉ đạo tiến hành thống kê chi tiết thiệt hại tại các địa phương, từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân và phục hồi sản xuất.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau cơn bão cần rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới phù hợp với tình hình hiện tại, bao gồm hạ tầng thông tin; hạ tầng năng lượng, đặc biệt là hệ thống điện; tiêu chuẩn về nhà cửa tại đô thị và các khu vực ven biển.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đề xuất Bộ Xây dựng cử đoàn công tác ra hiện trường để khảo sát và đánh giá, từ đó thu thập dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng quy chuẩn nhà cửa và hạ tầng phù hợp trong bối cảnh mới như biến đổi khí hậu và các sự cố bất thường ngoài dự liệu.
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về hạ tầng và cấu trúc thông tin để đảm bảo thông tin liên lạc được duy trì ổn định trong điều kiện thiên tai.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đánh giá lại quy định trong Luật Hàng hải về yêu cầu thuyền viên phải ở lại trên tàu trong tình huống khẩn cấp trong khi con người luôn là tài sản quý giá nhất cần được ưu tiên bảo vệ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh cần có cơ chế ngân sách khẩn cấp để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương chịu thiệt hại nặng, đảm bảo nguồn lực để khắc phục hậu quả và ổn định đời sống người dân sau bão.
Việc thiết lập cơ chế ngân sách khẩn cấp là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự chủ động và linh hoạt trong việc hỗ trợ các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão. Ngân sách khẩn cấp này không chỉ tập trung vào việc khắc phục hạ tầng bị hư hỏng mà còn phải đảm bảo cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản, như lương thực, nước sạch, thuốc men, và nơi ở tạm thời cho người dân.
Đồng thời, cần ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già, trẻ em và những người có nhu cầu đặc biệt, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão.